Những vấn đề sức khỏe cần lưu ý trong mùa du lịch hè
Tác giả: Ngô Thị Thúy An
Mùa hè là thời điểm lý tưởng để đi du lịch và thư giãn nhưng cũng là mùa dễ phát sinh các vấn đề về sức khỏe do thay đổi môi trường sống và thói quen ăn uống. Để bảo vệ bản thân bạn cần chú ý đến những vấn đề sức khỏe cần lưu ý trong mùa du lịch hè dưới đây để không phải trải qua một kỳ nghỉ “chông gai” nhé!
1. Vấn đề sức khỏe thường gặp khi đi du lịch mùa hè
Với thời tiết mùa hè nóng bức, nhiệt độ tăng cao đột ngột và thay đổi môi trường sống bất ngờ nên khi du lịch mọi người dễ mắc một số vấn đề sức khỏe sau:
- Say nắng, say nóng
Tham gia các hoạt động ngoài trời vào mùa hè khiến cơ thể bạn ra nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước và các chất điện giải. Không được bổ sung đủ nước và chất điện giải, cơ thể dễ rơi vào tình trạng say nắng, say nóng. Các triệu chứng điển hình gồm vã mồ hôi, da nhợt nhạt, sau nắng, đau đầu, choáng váng, buồn nôn, đau quặn bụng, nhịp tim đập nhanh và thở gấp.
Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, các triệu chứng trên sẽ trở nên nghiêm trọng. Thậm chí, cảm nắng chuyển thành sốc nhiệt gây nguy hiểm đến tính mạng, nặng nhất có thể tử vọng.
- Mất nước
Mất nước là tình trạng phổ biến khi đi du lịch, đặc biệt là vào mùa hè nóng bức. Điều này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm đi niềm vui của chuyến đi.
Khi tham gia các hoạt động thể chất như đi bộ, tham quan vui chơi, cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng và nước hơn. Đồng thời, mồ hôi tiết ra nhiều để làm mát cơ thể sẽ dẫn đến mất nước trầm trọng.
- Ngộ độc thực phẩm
Thời tiết nóng ẩm mùa hè là chất xúc tác giúp các loại vi sinh vật phát triển mạnh gây ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, các buổi ăn uống ngoài trời hoặc cắm trại dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao, nhất là khi thực phẩm không được bảo quản trong vùng nhiệt độ an toàn.
Các triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc là đau bụng quặn từng cơn, tiêu chảy, nôn mửa, sốt cao. Triệu chứng nặng và kéo dài có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, nặng có thể tử vong nếu nhiễm trùng đường tiêu hóa nghiêm trọng.
Các buổi ăn uống ngoài trời hoặc cắm trại dễ gây nguy cơ ngộ độc cao
- Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là một trong những vấn đề thường gặp khi đi du lịch, đặc biệt là vào mùa hè. Điều này không chỉ làm giảm đi niềm vui của chuyến đi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Khi đến một vùng đất mới, bạn sẽ được thưởng thức nhiều món ăn lạ miệng. Tuy nhiên, nếu không quen với loại thực phẩm này, hệ tiêu hóa có thể bị sốc, gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, táo bón.
- Sốt rét, sốt xuất huyết
Triệu chứng của sốt rét gồm sốt cao từng cơn, ớn lạnh, đổ mồ hôi trộm, đau đầu, mệt mỏi, cơ thể đau nhức. Còn triệu chứng của sốt xuất huyết phải kể đến sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, đau sau hốc mắt, các khớp đau, xuất huyết dưới da (trốm xuất huyết).
- Tai nạn, thương tích
Du lịch hè là khoảng thời gian tuyệt vời để thư giãn và khám phá những vùng đất mới. Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui, bạn cũng cần phải đối mặt với một số rủi ro tai nạn, thương tích như đuối nước, động vật cắn, tai nạn giao thông,
2. Bí kíp bảo vệ sức khỏe gia đình trong chuyến du lịch
Qua những vấn đề kể trên có thể thấy, việc bảo vệ sức khỏe gia đình trong mỗi chuyến đi du lịch vô cùng quan trọng. Dưới đây, Mirai Care sẽ gợi ý cho bạn một vài bí kíp giúp bảo vệ sức khỏe trong mùa du lịch hè, cùng tham khảo nhé:
2.1 Kiểm tra tổng quát sức khỏe cá nhân và gia đình
Để đảm bảo thể trạng và tinh thần tốt nhất trong chuyến đi du lịch, bạn nên đưa các thành viên trong gia đình kiểm tra sức khỏe tổng quát. Đồng thời, tiêm phòng đầy đủ các vaccine cần thiết cho cơ thể. Các loại vaccine được khuyến khích tiêm ngừa hoặc tiêm nhắc lại trước mỗi chuyến đi gồm thương hàn, cúm, phế cầu, viêm gan A/B, viêm màng não,....
Mục đích của việc khám tổng quát trước du lịch hè chính là đánh giá sức khỏe, dự phòng các phương pháp phòng ngừa vấn đề dễ gặp. Bên cạnh đó, lắng nghe tư vấn từ bác sĩ, chuyên gia để đảm bảo sức khỏe tốt trước, trong và sau chuyến đi. Với người già có bệnh nền hoặc người có tiền sử bệnh hen suyễn, viêm phế quản, tim mạch,... phải đến thăm khám trước chuyến đi ít nhất 1 tuần.
Khám tổng quát trước du lịch giúp đánh giá sức khỏe, dự phòng vấn đề dễ gặp
2.2 Tìm hiểu thông tin địa điểm du lịch sắp đến
Địa điểm du lịch cũng là tác nhân ảnh gây ra những vấn đề sức khỏe cần lưu ý trong mùa du lịch hè nêu trên. Bạn nên tìm hiểu tin tức y tế tại địa điểm du lịch sắp đến giúp hạn chế việc tiếp xúc với nguồn bệnh và có các phương án dự phòng để bảo vệ gia đình ngay từ đầu.
Bạn có thể tìm hiểu các thông tin về địa điểm qua báo, đài, tivi, trang web hoặc fanpage chính thức của tỉnh (nếu có). Trước chuyến đi, bạn cũng nên tìm hiểm thêm thông tin các cơ sở khám chữa bệnh như phòng khám, bệnh viện, nhà thuốc,... gần nơi cư trú để đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra.
2.3 Chuẩn bị các loại thuốc và vật dụng cần thiết
Trường hợp gia đình có người lớn tuổi hoặc mắc các bệnh lý nền được bác sĩ kê đơn thuốc cần mang theo đầy đủ thuốc, toa thuốc khi đi du lịch. Ngoài ra, hãy lên danh sách những loại thuốc không kê đơn cùng đồ dùng sơ cứu cá nhân để đối phó với rủi ro sức khỏe ngoài ý muốn.
Một số loại thuốc và vật dụng cần chuẩn bị gồm:
- Thuốc chống say xe, say tàu
- Thuốc giảm đau, hạ sốt, trị tiêu hóa, dạ dày
- Thuốc nhỏ mắt, mũi, chống dị ứng
- Thuốc mỡ hoặc kem bôi trị côn trùng đốt ngoài da
- Bộ sơ cứu cá nhân gồm nhiệt kế, băng gạc, kéo, oxy già, bông y tế, thuốc đỏ,....
- Bộ đồ dùng cá nhân, kem chống nắng, khẩu trang, khăn lau, du dịch sát khuẩn
Chuẩn bị thêm thuốc không kê đơn khi đi du lịch hè
2.4 Lưu ý về thông tin bảo hiểm
Hãy theo dõi bảo hiểm sức khỏe của bạn và gia đình, tìm hiểu dịch vụ phía bảo hiểm cung cấp xem có thể áp dụng tại bệnh viện hay phòng khám ở địa điểm sẽ đi du lịch không. Bên cạnh đó, việc biết rõ các thông tin về chính sách bảo hiểm y tế và cân nhắc mua cho gia đình cũng vô cùng quan trọng.
2.5 Chú ý đến chế độ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm
Trong thời gian đi du lịch, bạn thường có xu hướng ăn uống ngoài nhà hàng và tiêu thụ nhiều loại thức ăn lạ và thời gian ăn uống cũng thay đổi. Điều này gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe và làm mất cân bằng dinh dưỡng, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc thực phẩm.
Vậy nên, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý rất quan trọng. Hãy bổ sung thêm nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh vào bữa ăn. Đặc biệt, luôn giữ đúng phương châm "ăn chín, uống sôi" để đảm bảo an toàn sức khỏe suốt chuyến đi.
2.6 Duy trì hoạt động thể chất
Mục đích đi du lịch là nghỉ dưỡng, thư giãn nhưng bạn cùng gia đình vẫn nên duy trì hoạt động thể chất tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao là bí quyết chăm sóc sức khỏe gia đình hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Hơn nữa, việc vận động giúp cơ thể bạn khỏe khoắn, tăng sức bền giúp chuyến đi thoải mái và năng lượng hơn. Tuy nhiên, nên vận động vào thời điểm mát mẻ trong ngày (sáng sớm, chiều tối) đề phòng say nắng, say nóng.
Nên duy trì hoạt động thể chất tối thiểu 30 phút mỗi ngày khi đi du lịch hè
2.7 Tránh để côn trùng cắn đốt
Mùa hè đặc biệt ở miền Bắc là thời điểm côn trùng xuất hiện nhiều. Chúng chính là tác nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm khi đi du lịch. Bởi vậy, để bảo vệ bản thân và các thành viên trong gia đình, hãy sử dụng xịt chống muỗi, mặc quần áo dài và chọn chỗ ở khép kín hoặc có màn chắn côn trùng ở ô cửa.
2.8 Bảo vệ làn da bằng cách chống nắng
Đi du lịch mùa hè nhất định không được quên bước chống nắng bởi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài sẽ khiến da bị tổn thương. Thời gian thoa kem chống nắng hợp lý nhất là 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau mỗi 2 giờ để đảm bảo hiệu quả chống nắng tối ưu. Ngoài thoa kem chống nắng, bạn cũng nên chuẩn bị áo chống nắng, mũ nón, ô dù,....
2.9 Uống đủ nước
Đi du lịch hè là dịp để chúng ta khám phá những vùng đất mới, tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ bên gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, khi trời nóng, cơ thể chúng ta sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn để làm mát, dẫn đến mất đi một lượng nước lớn. Vì vậy, việc uống đủ nước là vô cùng quan trọng để đảm bảo một chuyến đi thật sự thoải mái và an toàn.
2.10 Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn có một chuyến đi hè thật sự trọn vẹn và đáng nhớ. Khi đi du lịch, đặc biệt là vào mùa hè, cơ thể thường phải thích nghi với môi trường mới, lịch trình dày đặc và sự thay đổi về thời gian sinh hoạt. Việc ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn phục hồi năng lượng sau ngày dài vui chơi, cải thiện tâm trạng, tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao khả năng tập trung, dễ dàng ghi nhớ kỷ niệm đẹp, tận hưởng trọn vẹn chuyến đi.
Ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn phục hồi năng lượng sau ngày dài vui chơi
3. Các xét nghiệm nên thực hiện sau chuyến du lịch
Mặc dù chuyến đi của bạn thật tuyệt vời nhưng cũng đừng quên rằng việc thay đổi môi trường, chế độ ăn uống và lịch trình sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, để đảm bảo bạn luôn khỏe mạnh, bạn hãy cân nhắc thực hiện một vài xét nghiệm kiểm tra sau chuyến đi du lịch.
3.1 Xét nghiệm chức năng gan/viêm gan
Trong mùa hè, việc tiêu thụ nhiều rượu bia và hải sản có thể gây áp lực lên gan, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về gan như viêm gan, xơ gan. Việc kiểm tra chức năng gan định kỳ sẽ giúp bạn sớm phát hiện và ngăn chặn các bệnh lý này.
Xét nghiệm chức năng gan là những xét nghiệm đo lường các chỉ số men gan, protein đặc trưng, bilirubin trong máu, từ đó đánh giá tình trạng sức khỏe của gan. Bên cạnh đó, dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác và lên phác đồ điều trị hiệu quả. Một số xét nghiệm chức năng gan thường gặp gồm:
- Xét nghiệm nồng độ ALT: ALT là một loại enzym do gan tiết ra, tham gia vào quá trình bẻ gãy các chuỗi protein. Sự xuất hiện của ALT trong máu cảnh báo gan đang bị tổn thương do rượu, virus hoặc nhiễm độc.
- Xét nghiệm nồng độ AST: Đây là xét nghiệm nhằm đánh giá chức năng gan khá quen thuộc. Tương tự ALT, sự xuất hiện của AST trong máu thường liên quan đến bệnh lý về gan. Xét nghiệm ALT và AST thường được chỉ định thực hiện cùng nhau khi có nghi ngờ suy giảm chức năng gan.
- Xét nghiệm nồng độ GGT: Kết quả xét nghiệm GGT bất thường cảnh báo bạn đang gặp phải các tổn thương về gan hoặc ống mật.
- Xét nghiệm nồng độ Bilirubin: Hồng cầu trong máu bị phá hủy sẽ giải phóng chất bilirubin. Sau đó, chất này sẽ được vận chuyển đến gan để xử lý. Nếu chức năng gan bị suy giảm thì bilirubin không được xử lý, dẫn đến tích tụ trong máu. Kết quả khiến da vàng, da niêm mạc mắt.
Kiểm tra chức năng gan định kỳ giúp phát hiện và ngăn chặn bệnh lý sơm
3.2 Xét nghiệm chỉ số mỡ máu, đường huyết
Chế độ ăn uống không lành mạnh trong mùa du lịch với nhiều đồ ăn dầu mỡ và đồ ngọt có thể làm tăng chỉ số mỡ máu và đường huyết, gây ra các bệnh lý như tiểu đường và bệnh tim mạch. Sau chuyến đi chơi, tiến hành xét nghiệm các chỉ số này vô cùng quan trọng, bởi thông qua kết quả này, bác sĩ có thể đánh giá bạn có bị mỡ máu hay rối loạn đường huyết không. Cụ thể:
- Cholesterol toàn phần: Xét nghiệm này nhằm kiểm tra tổng hàm lượng cholesterol có trong máu. Theo Hội tim mạch học Việt Nam, người từ 20 tuổi trở lên nên xét nghiệm cholesterol toàn phần để tiên lượng trước nguy cơ rối loạn mỡ máu. Chỉ số nhỏ hơn <200 mg/dL (5,1 mmol/L) chứng tỏ tình trạng sức khỏe của bạn bình thường.
- LDL-cholesterol (LDL-c): Đây chính là "cholesterol xấu", có tỷ trọng lipoprotein cholesterol thấp. Ngưỡng tốt nhất của LDL là dưới 100mg/dL. Nếu chỉ số LDL của bạn càng cao thì nguy cơ bị xơ vữa động mạch, đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim càng nhiều.
- HDL-cholesterol (HDL-c): Trái ngược với LDL, HDL được ví như cholesterol tốt, giúp tiêu diệt cholesterol xấu.
- Triglyceride: Dựa vào kết quả xét nghiệm Triglyceride, bác sĩ sẽ đánh giá bạn khỏe mạnh hay đang phải đối diện với nguy cơ mắc các bệnh về tim, tiểu đường. Từ đó, đưa ra phương pháp điều chỉnh hợp lý. Ở người bình thường, định lượng Triglyceride sẽ ở ngưỡng < 100 mg/dL (1,7 mmol/L)
- Glucose: Xét nghiệm chỉ số glucose trong máu giúp bạn phát hiện nguy cơ bị tiểu đường của mình. Ở những thời điểm khác nhau, chỉ số glucose trong máu cũng có sự chênh lệch/ Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, định lượng glucose trong máu bình thường sẽ nằm trong khoảng 3.9 mmol/l−5.6 mmol/l khi đói.
LDL-cholesterol (LDL-c) là "cholesterol xấu", có tỷ trọng lipoprotein cholesterol thấp
3.3 Xét nghiệm acid uric để kiểm tra bệnh gout
Tiêu thụ nhiều hải sản và thịt đỏ trong mùa du lịch có thể làm tăng mức acid uric trong máu, gây ra bệnh gout - một dạng viêm khớp do lắng đọng tinh thể urat trong khớp. Bạn nên thực hiện xét nghiệm kiểm tra nồng độ acid uric nếu cơ thể xuất hiện triệu chứng đau khớp hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Đây là xét nghiệm thường được chỉ định thực hiện để bác sĩ kiểm tra nồng độ acid uric trong máu hoặc nước tiểu, từ đó phát hiện bất thường (nếu có). Nhờ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị bệnh gout kịp thời. Ở mỗi độ tuổi, giới tính, chỉ số acid uric cao sẽ có sự khác nhau. Cụ thể:
- Nữ giới: > 6.0 mg/dL ở nữ
- Nam giới: > 7.0 mg/dL ở nam
- Trẻ em, thanh thiếu niên: >5.5 mg/dL
Tổng kết
Trên đây là những vấn đề sức khỏe cần lưu ý trong mùa du lịch hè, các bí kíp bảo vệ sức khỏe và gợi ý xét nghiệm nên thực hiện sau mỗi chuyến đi, đảm bảo tốt cho bản thân cũng như các thành viên trong gia đình của bạn. Đừng quên theo dõi Mirai Care thường xuyên để bỏ túi thêm nhiều thông tin hữu ích về sức khỏe hơn mỗi ngày nhé!
Bài viết phổ biến khác