Hướng dẫn cách chăm sóc da cho người bệnh tiểu đường
Tác giả: Ngô Thị Thúy An
Da là "lá chắn" bảo vệ cơ thể, nhưng với người bệnh tiểu đường, làn da lại trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương hơn. Vậy làm thế nào để chăm sóc da đúng cách, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng? Bài viết dưới đây, Mirai Care đã tổng hợp vấn đề về da và các cách chăm sóc da cho người bệnh tiểu đường. Tham khảo ngay để tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên nhé!
1. Vì sao người bệnh tiểu đường cần chăm sóc da đúng cách?
Làn da của bệnh nhân bị tiểu đường vô cùng nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Lượng đường huyết trong máu tăng cao dẫn tới da gặp các vấn đề như bong tróc, nứt nẻ, vết thương khó lành dẫn đến nhiễm trùng, lở loét. Bởi vậy, theo dõi và thực hiện các cách chăm sóc da cho người bệnh tiểu đường đúng cách vô cùng quan trọng.
Nồng độ glucose trong máu cao kèm theo sức đề kháng giảm tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Điều này khiến da trở nên nhạy cảm, dễ bị nhiễm trùng và khó lành vết thương. Nguyên nhân của vấn đề này là bởi da bị mất chức năng giữ ẩm và giảm khả năng tái tạo, phục hồi vết thương. Vì vậy, người bệnh tiểu đường phải thực hiện các biện pháp dưỡng ẩm và hạn chế tổn thương da, tránh làm vết thương bị nhiễm trùng.
Ngoài ra, lượng glucose trong máu cao gây tổn thương thần kinh khiến người bệnh mất khả năng nhận biết cảm giác đau, nóng hay lạnh. Đến khi phát hiện, tổn thương đã lan rộng và có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng. Mặt khác, bản thân người bị bệnh tiểu đường hệ miễn dịch không tốt. Do đó, việc cơ thể tự chữa lành vết thương khó khăn gấp đôi người bình thường.
Chăm sóc da cho người tiểu đường bên cạnh kiểm soát đường huyết
>> [Bạn có biết]: Những hiểu lầm về bệnh tiểu đường tuýp 1 phổ biến nhất
2. Các vấn đề về da thường gặp ở người bệnh tiểu đường
Theo thông tin được đánh giá về mặt y tế bởi Michael Dansinger, MD, có đến 1/3 số người mắc bệnh tiểu đường sẽ mắc bệnh về da. Để lựa chọn được cách chăm sóc da cho người bệnh tiểu đường, bạn cần nắm rõ tình trạng da đang gặp phải. Dưới đây là các vấn đề về da thường gặp ở người bệnh tiểu đường:
2.1 Khô da và ngứa
Đường huyết cao khiến cơ thể đào thải nhiều đường qua nước tiểu, dẫn đến mất nước. Da thiếu nước sẽ trở nên khô, bong tróc và dễ bị ngứa. Ngoài ra, đường huyết cao còn làm tổn thương mạch máu, gây khó khăn trong việc vận chuyển máu và oxy đến da làm da khô và dễ bị tổn thương.
Tình trạng này gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ loét da, nhiễm trùng, thậm chí có thể phải cắt cụt chi nếu không được chăm sóc đúng cách.
Da căng, bong tróc, đặc biệt ở các vùng da khô như bàn chân, cẳng chân. Thống kê cho thấy rằng từ 4 - 10% bệnh nhân tiểu đường gặp vấn đề về loét bàn chân. Đáng ngại hơn, từ 14 - 24% trong số đó đã phải cắt bỏ một phần chân do việc chăm sóc không đúng cách. Những con số này nhấn mạnh sự quan trọng của việc chăm sóc da cho người bệnh tiểu đường.
2.2 Nhiễm trùng da
Lượng đường trong máu cao tạo môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển dẫn đến nhiễm trùng da. Tình trạng này thường gặp nhiều ở người bị tiểu đường tuýp 2, kiểm soát bệnh kém. Biểu hiện dễ nhận biết của nhiễm trùng da ở người bị tiểu đường là đau đỏ, sưng nóng, có mủ và kèm theo cơn sốt.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng da có thể do vi khuẩn hoặc nấm:
- Nhiễm trùng nấm: Gồm nấm kẽ ngón chân, viêm móng, viêm da quy đầu, viêm miệng và nặng nhất là nhiễm trùng tuyết. Người bị tiểu đường gặp phải biến chứng nhiễm toan ceton có nguy cơ bị nhiễm nấm nhóm Phycomycetes cao. Tình trạng này kéo dài có thể gây viêm não và dẫn đến tử vong.
- Nhiễm trùng da do vi khuẩn: Thường là các vi khuẩn gram âm như trực mủ xanh. Ngoài ra, một vài trường hợp còn có thể nhiễm các vi khuẩn gram dương như viêm da mủ, viêm quầng,....
Nhiễm trùng da gặp nhiều ở người bị tiểu đường tuýp 2, kiểm soát bệnh kém
2.3 Vết thương lâu lành
Đường huyết cao gây tổn thương mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến vết thương, hạn chế cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tái tạo tế bào. Điều này làm giảm khả năng chữa lành vết thương.
Ở những trường hợp nặng, vết thương có thể trở thành loét, đặc biệt ở chân. Loét thường sâu, khó lành, lan rộng và có thể nhiễm trùng trầm trọng.
2.4 Bệnh gai đen
Bệnh gai đen là tình trạng da đặc trưng bởi những vùng da dạng nhú tối, da dày và sẫm màu ở các vị trí như cổ, nách hoặc bẹn. Đôi khi, những mảng này có thể xuất hiện trên tay, khuỷu tay và đầu gối.
Nguyên nhân gây bệnh gai đen là do kháng insulin. Đây cũng chính là biểu hiện của tiền tiểu đường hoặc tiểu đường loại 2. Biến chứng này phổ biến hơn ở những người béo phì, bị đái tháo đường.
2.5 Bàn chân tiểu đường
Bàn chân tiểu đường thường xuất hiện ở nhóm người bị đái tháo đường có các biến chứng mạch máu, thần kinh. Các biến chứng này thường liên quan đến tình trạng kiểm soát đường huyết và các yếu tố xơ vữa mạch máu lâu dài.
Các yếu tố tác động gây tổn thương trên bàn chân tiểu đường gồm:
- Vệ sinh bàn chân sai cách và không sạch sẽ.
- Mang giày, dép chật, dễ cọ sát và gây tổn thương chân.
- Can thiệp sai cách trên bàn chân như ngâm nước nóng, bôi dầu nóng và sử dụng thiết bị tạo nhiệt làm giảm đau,....
Biểu hiện của bàn chân tiểu đường dễ thấy nhất là tê buốt, mất cảm giác bàn chân, chân khô ráp như đi trên cát hoặc đôi khi thấy bàn chân nóng/lạnh bất thường. Đồng thời, da bàn chân khô, nứt nẻ, rụng lông, teo cơ vùng mô bàn chân và cẳng chân. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hoại tử chân, thậm chí phải cắt cụt.
Dấu hiệu dễ thấy của bàn chân tiểu đường là tê buốt, mất cảm giác
2.6 Các vấn đề khác
Ngoài những vấn đề trên, người bị tiểu đường còn có thể gặp một số bệnh lý khác về da như:
- Mụn cóc: Xuất hiện dưới dạng những nốt sần nhỏ, cứng, thường có màu xám hoặc nâu, bề mặt sần sùi. Mụn cóc có thể mọc đơn lẻ hoặc thành từng đám, thường xuất hiện ở tay, chân, mặt. Tình trạng này không chỉ mất thẩm mỹ mà còn gây đau, ngứa và khó chịu khi vận động.
- U hạt: Là những khối u nhỏ, màu vàng, thường xuất hiện ở mặt, tai, nhưng cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác trên cơ thể. Mặc dù không đau nhưng u hạt có thể làm mất thẩm mỹ, nhất là ở các bộ phần dễ nhìn thấy.
- Bệnh vẩy nến: Da xuất hiện các mảng da đỏ, dày, vảy trắng bạc, thường ngứa và gây đau. Các mảng này có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và nặng hơn ở người bị tiểu đường. Bệnh vẩy nến làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.
3. Cách chăm sóc da cho người bệnh tiểu đường
Mọi vết thương, vết xước, nứt nẻ da của bệnh nhân tiểu đường đều cần chăm sóc đặc biệt. Dưới đây là một số cách chăm sóc da cho người bệnh tiểu đường, nhằm giảm thiểu tối đa các bệnh lý về da có thể gặp phải:
3.1 Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh
Chế độ sinh hoạt lành mạnh đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc kiểm soát đường huyết mà còn giúp cải thiện tình trạng da của người bệnh tiểu đường. Tập thể dục đều đặn, xây dựng chế độ ăn uống cân bằng kết hợp uống đủ nước giúp tăng cường tuần hoàn máu, bổ sung dưỡng chất cần thiết giúp da khỏe mạnh hơn.
Hơn nữa, người bị bệnh tiểu đường dễ gặp các triệu chứng về da như bệnh bạch biến và bệnh vảy nến. Vậy nên, người bệnh cần duy trì sử dụng thuốc và tuân thủ chế độ sinh hoạt lành mạnh để kiểm soát đường huyết và hạn chế các vấn đề về da.
Chế độ sinh hoạt lành mạnh cải thiện vấn đề về da của người bệnh tiểu đường
3.2 Dưỡng ẩm da
Da của người bị tiểu đường dễ rơi vào tình trạng khô ráp, bong tróc và ngứa nên dưỡng ẩm cho da là việc vô cùng quan trọng. Người bệnh nên dùng kem dưỡng ẩm 2 lần mỗi ngày. Thời điểm tốt nhất là sau khi tắm hoặc bơi, lúc đó da còn ẩm. Nếu da bị khô thì hãy thoa kem dưỡng ẩm trên toàn bộ cơ thể, tránh tình trạng da khô gây phản ứng dị ứng.
3.3 Giữ vệ sinh da
Bên cạnh dưỡng ẩm, giữ vệ sinh da cũng là cách chăm sóc da cho người bệnh tiểu đường được các chuyên gia da liễu khuyên nên thực hiện. Theo đó, người bệnh nên giữ da luôn sạch sẽ, khô thoáng ở các vùng như nách, dưới ngực, bẹn và kẽ ngón chân. Bởi đây đều là vùng da ẩm ướt, dễ trở thành nơi trú ẩn và sinh sôi của nấm ngứa.
Vì vậy, sau mỗi lần tắm rửa, người bệnh cần lau khô những vùng trên. Cân nhắc sử dụng máy sấy để làm khô nhanh hơn nhưng nên để ở nhiệt độ vừa phải, tránh gây bỏng.
3.4 Tắm đúng cách
Da của người bệnh thường khô và dễ bị tổn thương, vì vậy cần có những biện pháp đặc biệt để bảo vệ. Vào ngày hè nóng ẩm, người bị tiểu đường nên hạn chế tắm 2 lần để giảm tiết mồ hôi và nguy cơ nhiễm trùng.
Người bệnh nên chọn nước ấm, không quá nóng hoặc quá lạnh để tắm, vừa giúp làm sạch da vừa không làm khô da. Đồng thời, không nên tắm quá lâu và tránh chà xát mạnh khiến da bị trầy xước.
3.5 Kiểm tra tay chân cẩn thận
Đái tháo đường có thể gây các biến chứng về da và nhiều vấn đề liên quan đến tứ chi. Người bệnh cần quan sát và kiểm tra vết thương cũng như các vết bầm tím hàng ngày. Đối với giày dép, người bị tiểu đường nên sử dụng loại đế bằng và vừa vặn khi di chuyển để tránh gây khó chịu cho da.
Nếu nhận thấy chân hoặc tay xuất hiện một trong các dấu hiệu bất thường dưới đây thì cần đến gặp bác sĩ ngay:
- Da trông sưng phù và đổi màu
- Mẫn cảm và bị đau
- Vết thương ở tay hoặc chân bị rỉ mủ hoặc cháy dịch, chốc lở
- Nấm móng xuất hiện với dấu hiệu biến dạng, dày lên hoặc có đốm trắng/ đốm vàng dưới móng
Thường xuyên kiểm tra chân, tay bệnh nhân tiểu đường cẩn thận
3.6 Xử lý ngay khi có vết thương
Đối với các vết thương lở loét trên da, người bệnh nên tiến hành xử lý ngay lập tức. Các bước chăm sóc lớp da bị phồng rộp gồm rửa sạch vết thương, thoa thuốc mỡ sát trùng và băng vết thương. Trường hợp vết thương bị nhiễm trùng, sưng đỏ, chảy mủ và đau, người bệnh cần khám chuyên khoa nội tiết. Tại đây, tùy mức độ nhiễm trùng, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị hợp lý.
Trên đây là tổng hợp các cách chăm sóc da cho người bệnh tiểu đường đúng chuẩn. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bệnh nhân bị tiểu đường chăm sóc bản thân, cải thiện làn da và tránh biến chứng nguy hiểm ngoài ý muốn xảy ra. Đừng quên theo dõi Mirai Care mỗi ngày để bỏ túi thêm nhiều thông tin về các vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường nhé!
Tài liệu tham khảo:
Bài viết phổ biến khác