phone

Hướng dẫn bố mẹ các phương pháp dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh

Hướng dẫn bố mẹ các phương pháp dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh

Table of Contents


Đối với trẻ tự kỷ, việc phát triển kỹ năng so sánh không chỉ hỗ trợ cải thiện tư duy logic mà còn mở ra cơ hội giao tiếp, tương tác hơn với thế giới xung quanh. Vậy làm thế nào để dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh một cách hiệu quả ? Bài viết dưới đây, Mirai Care sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này đồng thời đưa ra những mẹo hữu ích mà bạn có thể bỏ túi. 

1. Tại sao kỹ năng so sánh quan trọng với trẻ tự kỷ?

Trước khi có thể dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh, các bậc phụ huynh cần nắm rõ tầm quan trọng của kỹ năng này trong việc hỗ trợ sự phát triển toàn diện trẻ. 

  • Phát triển nhận thức

Kỹ năng so sánh mang lại nhiều lợi ích to lớn trong sự phát triển nhận thức của trẻ, giúp trẻ tự kỷ nhìn nhận rõ ràng hơn về thế giới xung quanh. Nhờ khả năng phân tích và đánh giá các sự vật, hiện tượng, trẻ phát triển được tư duy logic và khả năng tổ chức thông tin. Điều này không chỉ hỗ trợ trẻ trong việc học hỏi mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc hòa nhập xã hội. 

Một ví dụ điển hình về kỹ năng so sánh trong việc phát triển nhận thức trẻ tự kỷ là yêu cầu trẻ so sánh 2 hình ảnh. Một bức tranh về một con mèo, một bức tranh về một con chó. Trẻ sẽ phân tích và nhận ra sự khác biệt giữa chúng như: hình dáng, kích thước, màu sắc,…

Kỹ năng so sánh hỗ trợ trẻ tự kỷ phát triển nhận thức

Kỹ năng so sánh hỗ trợ trẻ tự kỷ phát triển nhận thức

  • Cải thiện giao tiếp

Kỹ năng so sánh có thể giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ mở rộng vốn từ vựng và diễn đạt ý tưởng rõ ràng hơn thông qua các từ mô tả như: “đẹp hơn”, “to hơn”, “nhỏ hơn”,... Kỹ năng này cũng giúp trẻ tư duy logic hơn, hiểu được mối quan hệ giữa sự vật và hiện tượng. 

Trẻ học cách tham gia vào các cuộc trò chuyện, bày tỏ ý kiến và đưa ra quyết định. Ví dụ, trẻ có thể bày tỏ: “Con thích quả dưa này hơn vì nó ngọt hơn”. Điều này không chỉ giúp trẻ bộc lộ quan điểm cá nhân mà còn khuyến khích sự tương tác hai chiều với người khác. 

  • Hỗ trợ học tập

Dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh mang lại lợi ích quan trọng, đặc biệt trong việc thúc đẩy hiệu quả học tập. Đây là nền tảng vững chắc cho các môn học như toán học, khoa học hay ngôn ngữ. Trong toán học, kỹ năng này giúp trẻ hiểu được khái niệm cơ bản: số lớn hơn, nhỏ hơn, bằng nhau. Từ đó dễ dàng  tiếp cận các phép tính: cộng, trừ, nhân, chia. 

Hay đối với khoa học, so sánh giúp trẻ tự kỷ nhận biết những điểm tương đồng và khác biệt trong thế giới tự nhiên. Hoặc trong lĩnh vực ngôn ngữ, trẻ phát triển được vốn từ vựng, hiểu biết ngữ pháp thông qua các bài tập so sánh về kích thước, màu sắc, hình dạng và nhiều yếu tố khác. 

  • Tăng cường tính độc lập

Khi được rèn luyện kỹ năng so sánh, trẻ có thể tự đưa ra quyết định và giải quyết những vấn đề đơn giản trong cuộc sống hàng ngày như: chọn quần áo, đồ ăn, đồ chơi,…Từ đó giúp trẻ trở nên tự tin hơn, giảm sự phụ thuộc vào người lớn và dần tự lập hơn. 

Ngoài ra, thông qua kỹ năng so sánh, trẻ sẽ học được cách sắp xếp thứ tự ưu tiên trong các hoạt động, chẳng hạn như quyết định điều gì quan trọng hơn để thực hiện trước.

Dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh giúp trẻ xây dựng tính độc lập

Dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh giúp trẻ xây dựng tính độc lập

2. Các nguyên tắc khi dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh 

Trong quá trình dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh, việc tuân thủ các nguyên tắc đúng đắn chính là chìa khóa tạo nên sự khác biệt. Dưới đây là những nguyên tắc quan trọng giúp quá trình giảng dạy đạt kết quả tối ưu.

  • Bắt đầu từ những điều đơn giản

Nguyên tắc đầu tiên là bắt đầu dạy từ những điều đơn giản, gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Việc sử dụng các hình ảnh, đồ vật quen thuộc giúp trẻ tự kỷ dễ dàng nhận biết và so sánh. Tập trung vào những tiêu chí cơ bản như màu sắc, kích thước hoặc hình dạng không chỉ giúp trẻ tiếp cận bài học dễ dàng hơn, mà còn xây dựng tư duy một cách tự nhiên và bền vững. 

  • Sử dụng hình ảnh và vật thật

Một nguyên tắc quan trọng khác là trong quá trình dạy học nên sử dụng hình ảnh và vật thật. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ tự kỷ thường tiếp thu hiệu quả hơn qua hình ảnh và trải nghiệm trực quan. Những hình ảnh sinh động và các vật dụng thực tế vừa thu hút sự chú ý, vừa giúp trẻ tự kỷ dễ dàng hiểu và ghi nhớ bài học lâu hơn. 

  • Chia nhỏ bài học

Trong khi một đứa trẻ bình thường có thể tự học và bắt chước chỉ qua việc quan sát, trẻ tự kỷ lại cần được hướng dẫn một cách chi tiết. Cha mẹ nên chia kỹ năng so sánh thành từng bước nhỏ, mỗi bước được thiết kế đơn giản và dễ hiểu. Sự kiên nhẫn trong việc dạy từng bước không chỉ giúp trẻ tiếp cận bài học một cách nhẹ nhàng mà còn tạo điều kiện để trẻ hiểu sâu, ghi nhớ lâu và không cảm thấy áp lực trong quá trình học tập.

  • Lặp đi lặp lại

Song hành với nguyên tắc chia nhỏ bài học thì việc lặp đi lặp lại là rất cần thiết. Lặp lại giúp củng cố kiến thức, tạo thói quen giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ ghi nhớ lâu dài. Thông qua việc thực hành thường xuyên, trẻ sẽ dần quen thuộc với kỹ năng so sánh và có thể áp dụng chúng một cách tự nhiên hơn trong cuộc sống hàng ngày.

  • Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng

Khi dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh, việc sử dụng ngôn ngữ đơn giản và rõ ràng là vô cùng quan trọng. Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc hiểu các khái niệm phức tạp. Vì vậy việc diễn đạt một cách dễ hiểu, trực tiếp sẽ giúp trẻ tiếp thu nhanh hơn. Cha mẹ nên tránh sử dụng các từ ngữ mơ hồ hoặc quá trừu tượng, thay vào đó, hãy sử dụng câu ngắn gọn và đi kèm với ví dụ cụ thể để trẻ dễ dàng hình dung và làm theo.

  • Khen ngợi và động viên

Việc khen ngợi và động viên kịp thời giúp trẻ tự kỷ cảm thấy tự tin, có động lực để tiếp tục học hỏi hơn. Những lời khen, dù là nhỏ nhất, cũng góp phần tạo ra một môi trường học tập đầy khích lệ. Khi trẻ nhận được sự công nhận và cổ vũ, chúng sẽ cảm thấy giá trị bản thân. Từ đó phát triển kỹ năng và hòa nhập tốt hơn với thế giới xung quanh.

  • Tạo môi trường học tập vui vẻ, thoải mái

Tạo một môi trường học tập, vui vẻ, thoải mái cũng là nguyên tắc rất quan trọng trong việc dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh. Bối cảnh này giúp trẻ cảm thấy an toàn và tự tin khi học hơn, từ đó dễ dàng tiếp nhận kiến thức hơn. Đặc biệt, tránh gây áp lực cho trẻ là yếu tố then chốt. Vì khi trẻ cảm thấy “stress” khả năng học hỏi và phát triển sẽ bị hạn chế. 

  • Kiên nhẫn và nhất quán

Quá trình dạy trẻ tự kỷ cần thời gian và sự kiên trì. Vì mỗi trẻ có khả năng tiếp thu và phát triển khác nhau. Kiên nhẫn giúp người dạy duy trì sự ổn định trong quá trình học tập, cho phép trẻ tự kỷ làm quen và tiến bộ theo nhịp độ của riêng mình. Điều này giúp trẻ cảm thấy thoải mái, không bị áp lực, đồng thời phát huy tối đa khả năng học hỏi và phát triển.

Tạo môi trường học tập vui vẻ, thoải mái trong việc dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh

Tạo môi trường học tập vui vẻ, thoải mái trong việc dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh

3. Các hoạt động cụ thể để dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh

Dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh yêu cầu một phương pháp rõ ràng, trực quan và lặp lại nhiều lần. Dưới đây là một số hoạt động cụ thể mà các phụ huynh có thể tham khảo:

3.1 So sánh kích thước

So sánh kích thước là phần thiết yếu giúp trẻ tự kỷ phát triển khả năng nhận thức và ngôn ngữ. Việc hiểu và phân biệt các khái niệm “lớn”, “nhỏ” không chỉ giúp trẻ cải thiện khả năng tư duy logic, mà còn giúp chúng nâng cao khả năng giao tiếp và tương tác với thế giới xung quanh. 

  • Cách thực hiện: Sử dụng các khối gỗ, hộp, đồ chơi có kích thước khác nhau để trẻ nhận diện sự khác biệt. Sử dụng các từ ngữ: “lớn” và “nhỏ”, “to” và “bé”, “cao” và “thấp”, “dài” và “ngắn” 
  • Đặt câu hỏi “Cái nào to hơn? Cái nào nhỏ hơn?”. Hướng dẫn trẻ sử dụng các từ ngữ so sánh kích thước để trẻ làm quen và sử dụng các từ này trong ngữ cảnh thích hợp. 
  • Ví dụ: Cho trẻ so sánh hai quả bóng, một quả to và một quả nhỏ. 

3.2 So sánh màu sắc

Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ thường xuyên tiếp xúc với vô vàn đồ vật có màu sắc phong phú. Đây chính là những cơ hội tuyệt vời cha mẹ nên tận dụng để gọi tên và so sánh.

  • Cách thực hiện: Sử dụng các thẻ màu sắc hoặc đồ vật có màu sắc khác nhau. Yêu cầu trẻ sắp xếp các đồ vật theo màu sắc hoặc chỉ ra đồ vật có màu sắc giống nhau. 
  • Đặt câu hỏi như “Cái này màu gì? Cái kia màu gì?” để trẻ làm quen với việc phân biệt và so sánh màu sắc. 
  • Ví dụ: Cho trẻ so sánh hai chiếc áo, một chiếc màu đỏ và một chiếc màu xanh.

Dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh màu sắc

Dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh màu sắc

3.3 So sánh số lượng

So sánh số lượng không chỉ giúp trẻ tự kỷ nhận diện sự khác biệt giữa các nhóm đồ vật mà còn hỗ trợ chúng trong việc đếm, phân loại và hiểu được khái niệm “nhiều”, “ít”. 

  • Cách thực hiện: Sử dụng các đồ vật nhỏ như viên kẹo, cúc áo hoặc các hình ảnh minh hoạ số lượng. 
  • Đặt câu hỏi: “Bên này có bao nhiêu cái? Bên kia có bao nhiêu cái? Bên nào nhiều hơn? Bên nào ít hơn?”.
  • Ví dụ: Cho trẻ so sánh hai nhóm kẹo, một nhóm có 3 viên và một nhóm có 5 viên.

3.4 So sánh hình dạng

Việc dạy trẻ so sánh hình dạng cần được thực hiện qua các hành động thực tế và lặp lại để trẻ tự kỷ nắm vững khái niệm và áp dụng vào các tình huống khác nhau. 

  • Cách thực hiện: Sử dụng các hình khối hình học như hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật. Cho trẻ sắp xếp các khối theo hình dạng và chỉ ra các khối giống nhau. 
  • Đặt câu hỏi: “Đây là hình gì? Hình này khác hình kia như thế nào?”. Khuyến khích trẻ nói ra tên các hình dạng. 
  • Ví dụ: Cho trẻ so sánh một hình vuông và một hình tròn.

3.5 So sánh về tính chất

Dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh về tính chất giúp chúng tăng cường khả năng nhận biết sự khác biệt giữa các vật thể. 

  • Cách thực hiện: Dùng các vật liệu khác nhau: vải mềm, đá cứng hoặc các đồ vật có kết cấu khác nhau. Hướng dẫn trẻ dùng các từ ngữ để mô tả như: “nóng” và “lạnh”, “cứng” và “mềm”, “nặng” và “nhẹ”.
  • Đặt câu hỏi, yêu cầu trẻ mô tả cảm giác khi chạm vào các vật liệu này. 
  • Ví dụ: Cho trẻ sờ vào cục đá (lạnh) và cốc nước ấm (ấm).

Một số bài học so sánh dành cho trẻ tự kỷ

Một số bài học so sánh dành cho trẻ tự kỷ

4. Ứng dụng kỹ năng so sánh vào cuộc sống hàng ngày

Lý thuyết luôn đi đôi với thực hành, bởi vì kiến thức chỉ thực sự có giá trị khi được áp dụng vào các tình huống cụ thể. Đặc biệt là đối với trẻ tự kỷ, ứng dụng so sánh vào các hoạt động hàng ngày sẽ giúp trẻ nắm vững kỹ năng một cách tự nhiên và hiệu quả hơn. Việc này cũng tạo cơ hội cho trẻ phát triển hòa nhập với môi trường xung quanh. 

  • Chọn quần áo

Đầu tiên, phụ huynh có thể chỉ vào từng chiếc áo và nói rõ màu sắc của chúng. Sau khi giới thiệu xong, bạn có thể hỏi câu đơn giản giúp trẻ đưa ra sự lựa chọn “Con muốn mặc cái áo màu xanh hay màu đỏ?” Hoặc “Cái áo nào con thích hơn?”. Bạn có thể lặp lại các món đồ khác để tăng cường kỹ năng so sánh “Con muốn mặc áo có hình con gấu hay con thỏ?”.

  • Ăn uống

Cha mẹ có thể chuẩn bị hai phần cơm với lượng khác nhau. Đặt chúng trước mặt trẻ và nói rõ cho trẻ về sự khác biệt giữa hai phần cơm. Ví dụ: “Đây là phần cơm nhiều, còn đây là phần cơm ít.”. Sau đó hỏi câu hỏi đơn giản: “Con muốn ăn nhiều cơm hay ít cơm?”. Nếu trẻ không thể quyết định ngay lập tức, bạn có thể hỏi lại và khuyến khích trẻ đưa ra lựa chọn: “Con thích ăn nhiều cơm hay ít cơm hơn?”. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rõ hơn về các khái niệm “nhiều” và “ít.”

  • Chơi đồ chơi

Đặt hai chiếc ô tô có kích thước khác nhau trước mặt trẻ. Hỏi câu hỏi đơn giản để trẻ có thể so sánh: “Con muốn chơi ô tô to hay ô tô nhỏ?” hoặc “Con thích ô tô nào hơn, ô tô to hay ô tô nhỏ?”. Khi trẻ đưa ra quyết định, hãy khen ngợi và khuyến khích trẻ: “Con chọn ô tô to, rất tuyệt vời!” 

Dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh rồi ứng dụng vào thực tế

Dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh rồi ứng dụng vào thực tế

Thông qua việc ứng dụng, các bậc phụ huynh không chỉ hỗ trợ trẻ tự kỷ rèn luyện kỹ năng so sánh mà còn tạo điều kiện để trẻ phát triển tính độc lập, giúp trẻ tự tin hơn trong việc đối diện và giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, những trải nghiệm thực tế này còn khuyến khích trẻ khám phá thế giới xung quanh, từ đó nâng cao khả năng giao tiếp và sự tự lập của trẻ.

Hy vọng những thông tin mà Mirai Care chia sẻ trên sẽ giúp các bậc phụ huynh xây dựng kế hoạch dạy trẻ tự kỷ kỹ năng so sánh một cách cụ thể, hiệu quả và phù hợp với con em mình. Với một phương pháp giáo dục hợp lý cùng sự đồng hành của bố mẹ, trẻ tự kỷ sẽ dần dần có nhiều niềm tin hơn và hòa nhập được với xã hội nhanh hơn.

Juntendo University Hospital
NCGM
St. Luke's International Hospital
Omotesando Helene Clinic
VNeconomy
vietnamnet
vnexpress
alobacsi