3 + Phương pháp dạy trẻ theo mô hình ngôi nhà giao tiếp hiệu quả
Tác giả: Ngô Thị Thúy An
Nội dung bài viết
Mô hình ngôi nhà giao tiếplà một công cụ hỗ trợ phát triển ngôn ngữ và kỹ năng xã hội ngày càng được áp dụng rộng rãi trong can thiệp trẻ tự kỷ và trẻ chậm nói. Việc hiểu rõ mô hình ngôi nhà giao tiếp không chỉ giúp phụ huynh có cái nhìn trực quan về hành trình học nói của trẻ, mà còn là nền tảng để xây dựng môi trường giao tiếp hiệu quả ngay tại gia đình. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùngMirai Caretìm hiểu mô hình này là gì, tại sao nó quan trọng, và cách áp dụng cụ thể cho từng độ tuổi, đặc biệt với trẻ trong phổ tự kỷ.
1. Tìm hiểu mô hình ngôi nhà giao tiếp là gì?
Mô hình ngôi nhà giao tiếp lần đầu tiên được giới thiệu bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 1997, trong cuốn sách Let’s communicate một tài liệu hướng dẫn dành riêng cho những người làm việc với trẻ em gặp khó khăn trong giao tiếp.
Đây là một mô hình trực quan, mô phỏng quá trình phát triển giao tiếp tự nhiên của trẻ như việc xây dựng một ngôi nhà. Mỗi “tầng” trong ngôi nhà đại diện cho một nhóm kỹ năng giao tiếp, bắt đầu từ nền móng là nền tảng cơ bản, đến các tầng tiếp theo là các kỹ năng nâng cao hơn, và cuối cùng là phần mái nhà biểu tượng cho khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả.
Điểm nổi bật của mô hình này là việc nhấn mạnh tính liên kết và tuần tự trong quá trình phát triển ngôn ngữ: trẻ cần xây được nền móng vững chắc trước khi có thể phát triển các kỹ năng cao hơn. Chính vì vậy, mô hình ngôi nhà giao tiếp đặc biệt hữu ích trong việc định hướng các chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm nói, hoặc trẻ có rối loạn ngôn ngữ.
Mô hình ngôi nhà giao tiếp dành riêng cho những người làm việc với trẻ em gặp khó khăn trong giao tiếp
2. Cấu trúc cơ bản của ngôi nhà giao tiếp
Mô hình “ngôi nhà giao tiếp” mô phỏng quá trình phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ như một ngôi nhà hoàn chỉnh trong đó mỗi phần cấu trúc đều có vai trò quan trọng và liên kết chặt chẽ với nhau.
- Nền móng là yếu tố tiên quyết, bao gồm các kỹ năng cơ bản như chú ý chung (cùng nhìn vào một vật với người khác), đáp ứng khi được gọi tên và khả năng bắt chước hành vi. Đây là tiền đề để trẻ có thể bước vào quá trình giao tiếp.
- Tiếp theo là tầng 1 nơi hình thành các kỹ năng tương tác ban đầu như chờ đợi, luân phiên hành động (đưa nhận đồ vật), và giao tiếp không lời (ánh mắt, nét mặt, cử chỉ).
- Tầng 2 sẽ là giai đoạn trẻ sử dụng các phương tiện hỗ trợ giao tiếp như ký hiệu, hình ảnh, cử chỉ để biểu đạt nhu cầu đặc biệt phù hợp với trẻ chưa có hoặc còn ít lời nói.
- Tầng 3 tập trung vào việc phát triển ngôn ngữ từ nói được những từ đơn, trẻ dần ghép thành cụm từ và câu ngắn có ý nghĩa.
- Cuối cùng, mái nhà đại diện cho kỹ năng giao tiếp đạt đến độ cao nhất, khi này trẻ có thể linh hoạt điều chỉnh cách nói trong từng tình huống, chủ động chia sẻ thông tin, cảm xúc và sử dụng ngôn ngữ phù hợp với bối cảnh xã hội.
Việc hiểu rõ từng tầng trong ngôi nhà giúp phụ huynh và chuyên gia xác định đúng giai đoạn phát triển của trẻ, từ đó xây dựng lộ trình can thiệp phù hợp và hiệu quả.
Mô hình giao tiếp mô phỏng quá trình phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ
3. Những sai lầm thường gặp khi không có mô hình định hướng giao tiếp
3.1. Ép trẻ học nói sớm khi chưa có nền tảng giao tiếp phi ngôn ngữ
Rất nhiều phụ huynh có mong muốn chính đáng là “dạy con biết nói càng sớm càng tốt”, tuy nhiên, điều này có thể phản tác dụng nếu trẻ chưa có những nền tảng như: giao tiếp ánh mắt, bắt chước hành động, chờ đợi, hay chú ý chung.
Ví dụ: Trẻ được yêu cầu lặp lại từ "mẹ", nhưng không hề hiểu từ đó có nghĩa là gì hoặc dùng để làm gì trong tương tác thực tế. Hệ quả để lại là trẻ chỉ có thể:
- Nói nhại theo máy móc, không có ngữ cảnh.
- Lặp lại từ một cách vô nghĩa, không nhằm mục đích giao tiếp.
- Hoặc từ chối nói luôn, vì không cảm thấy hứng thú hay hiểu rõ mục đích của việc nói.
Nếu không xây được nền móng vững chắc, việc "lên tầng" ngôn ngữ sẽ không ổn định, dẫn đến suy giảm động lực, dễ khiến trẻ rơi vào tình trạng thoái lui kỹ năng.
3.2. Dạy ngôn ngữ không có tình huống thiếu gắn kết cảm xúc
Một sai lầm phổ biến khác là dạy trẻ học từ vựng một cách máy móc, ví dụ: chỉ vào tranh rồi yêu cầu gọi tên, hoặc cho học flashcard liên tục. Mặc dù trẻ có thể “ghi nhớ” từ ngữ, nhưng lại không biết cách sử dụng từ đó trong quá trình giao tiếp thực tế.
Đây là hệ quả của việc dạy ngôn ngữ tách rời khỏi ngữ cảnh và cảm xúc một yếu tố cực kỳ quan trọng với trẻ tự kỷ, vốn có xu hướng giao tiếp “vì lý do cá nhân” hơn là “chia sẻ xã hội”. Khi thiếu cảm xúc đi kèm, trẻ không thấy “vui” khi giao tiếp, và dễ bỏ ngang quá trình học.
3.3. Bỏ qua các kỹ năng tiền đề như nhìn, bắt chước, chờ đợi, chú ý chung
Trước khi học nói, trẻ cần sở hữu các kỹ năng nền tảng gọi là “tiền ngôn ngữ” như:
- Giao tiếp bằng mắt: nhìn người khác khi nói chuyện.
- Bắt chước hành vi: làm theo cử chỉ, nét mặt, hành động của người lớn.
- Chờ đợi: không chen ngang khi người khác nói.
- Chú ý chung: cùng nhìn vào một đồ vật, sự việc với người khác để hiểu nhau.
Đây là những “viên gạch” tạo nên nền móng của ngôi nhà giao tiếp. Nếu không củng cố các kỹ năng này, dù trẻ có phát âm được từ thì cũng không biết dùng đúng lúc, đúng chỗ, hoặc không duy trì được tương tác lâu dài.
Bỏ qua những tiền đề này khiến toàn bộ hệ thống giao tiếp của trẻ mất cân bằng, dẫn đến kết quả:
- Trẻ dễ rút vào thế giới riêng, không muốn tương tác.
- Không học được cách “chờ nghe đáp lại”.
- Khó phát triển kỹ năng xã hội một cách tự nhiên.
Cha mẹ không định hướng rõ khi sử dụng mô hình giao tiếp dễ gây nên những sai lầm nghiêm trọng
4. Lợi ích của áp dụng ngôi nhà giao tiếp cho trẻ chậm nói
4.1. Giúp phát triển ngôn ngữ một cách toàn diện
Khác với việc chỉ “ép” trẻ học phát âm hay học thuộc từ vựng, mô hình ngôi nhà giao tiếp giúp trẻ phát triển ngôn ngữ một cách có định hướng, từng bước từ nền tảng cảm giác, chú ý, tương tác phi ngôn ngữ đến khả năng nói ra trọn vẹn ý tưởng của mình.
Mỗi “tầng” trong mô hình đều đại diện cho một cấp độ phát triển giao tiếp cụ thể, giúp cha mẹ và chuyên gia xác định trẻ đang ở đâu và cần gì tiếp theo. Qua đó, quá trình hỗ trợ không bị bỏ sót hoặc đốt cháy giai đoạn.
Khi áp dụng đúng, trẻ chậm nói có thể cải thiện rõ ở các mặt:
- Tăng vốn từ vựng theo tình huống: Trẻ học từ trong ngữ cảnh thực tế ví dụ từ "bánh" đi kèm với hành động xin bánh, chia sẻ bánh, hoặc từ chối ăn bánh. Điều này giúp trẻ hiểu mục đích giao tiếp chứ không chỉ ghi nhớ từ rời rạc.
- Rèn khả năng bắt chước nền tảng của học ngôn ngữ: Trẻ luyện tập bắt chước âm thanh, nét mặt, cử chỉ từ đó hình thành kỹ năng nói theo, gọi tên, diễn đạt.
- Tăng khả năng chú ý và lắng nghe: Thông qua các trò chơi luân phiên, trẻ học cách duy trì sự chú ý, chờ lượt, lắng nghe tín hiệu từ người đối diện đây là kỹ năng thiết yếu trước khi có thể hội thoại.
- Biết cách diễn đạt phù hợp ngữ cảnh: Ngay cả khi chưa nói tốt, trẻ cũng học được cách sử dụng cử chỉ, hình ảnh, ánh mắt để diễn đạt nhu cầu, cảm xúc giúp trẻ không bị “bất lực giao tiếp” và giảm hành vi tiêu cực.
4.2. Tăng cường kỹ năng xã hội và tương tác
Mô hình ngôi nhà giao tiếp không chỉ hướng đến mục tiêu giúp trẻ “nói được”, mà còn chú trọng việc “nói để tương tác” tức là sử dụng ngôn ngữ và các phương tiện giao tiếp khác để kết nối với người khác, duy trì mối quan hệ và tham gia vào các hoạt động xã hội.
Với trẻ chậm nói hoặc rối loạn giao tiếp, kỹ năng xã hội thường bị hạn chế trẻ có thể không biết bắt chuyện, không đáp lại người khác, hoặc không hiểu các tín hiệu giao tiếp như ánh mắt, cử chỉ. Mô hình ngôi nhà giao tiếp giúp trẻ từng bước vượt qua rào cản này bằng cách xây dựng kỹ năng tương tác ngay từ tầng đầu tiên: chú ý chung, luân phiên, bắt chước, giao tiếp không lời nền móng quan trọng để hình thành tương tác xã hội.
Những kỹ năng xã hội quan trọng được phát triển bao gồm:
- Chơi chung với bạn: Trẻ học cách tham gia vào các trò chơi đôi biết chia lượt, chờ đến lượt mình và tuân thủ luật chơi đơn giản.
- Biết bắt chước một cách tự nhiên: Đây là cách trẻ học các hành vi xã hội từ vẫy tay, gật đầu đến cách nói chuyện, biểu lộ cảm xúc.
- Hiểu cảm xúc cử chỉ của người khác: Trẻ học cách nhận diện nét mặt, giọng nói, hành động của người khác để đoán được họ đang vui, buồn, tức giận hay cần giúp đỡ.
- Thể hiện nhu cầu và cảm xúc rõ ràng hơn: Dù bằng lời nói, cử chỉ hay hình ảnh, trẻ được hỗ trợ để chủ động bày tỏ mong muốn điều quan trọng để giảm hành vi tiêu cực như ăn vạ, la hét, tự làm đau khi không được đáp ứng.
Việc tăng cường kỹ năng xã hội không chỉ giúp trẻ hòa nhập tốt hơn ở trường lớp, gia đình mà còn mở ra cánh cửa cho những mối quan hệ tích cực và sự phát triển toàn diện trong tương lai. Và mô hình ngôi nhà giao tiếp chính là nền tảng khoa học, trực quan giúp trẻ tiến gần hơn đến khả năng giao tiếp trọn vẹn với thế giới xung quanh.
Ngôi nhà giao tiếp giúp trẻ chậm nói phát triển khả năng ngôn ngữ toàn diện
5. Dạy trẻ theo mô hình ngôi nhà giao tiếp như thế nào?
5.1. Phân chia theo độ tuổi và mức độ phát triển
Mỗi đứa trẻ có tốc độ phát triển khác nhau, đặc biệt là trẻ chậm nói hoặc có rối loạn giao tiếp. Vì vậy, điều quan trọng khi áp dụng mô hình ngôi nhà giao tiếp là không dạy theo tuổi sinh học mà theo “mức độ sẵn sàng” trong giao tiếp của trẻ.
- Trẻ 12 - 18 tháng (hoặc trẻ ở mức phát triển sơ khởi): Đây là giai đoạn nên tập trung vào các kỹ năng tiền đề tức “nền móng” của ngôi nhà giao tiếp. Cha mẹ và người dạy cần khuyến khích trẻ chú ý chung (nhìn theo khi được chỉ, cùng chú ý vào một vật), tập bắt chước âm thanh, hành động đơn giản. Và chơi luân phiên (cha mẹ làm trẻ làm cha mẹ làm…)
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên chưa biết nói hoặc mới biết vài từ vậy nên chúng ta cần đánh giá lại kỹ năng tiền ngôn ngữ của trẻ bằng một số câu hỏi như: trẻ đã có chỉ tay chưa? Có quay đầu lại khi được gọi tên không? Biết giao tiếp bằng ánh mắt hay cử chỉ không?
5.2. Không dạy vượt tầng đi theo đúng lộ trình ngôn ngữ tự nhiên
Một sai lầm phổ biến khi dạy trẻ chậm nói là nôn nóng dạy từ hoặc câu ghép khi trẻ chưa có kỹ năng tiền đề. Mô hình ngôi nhà giao tiếp nhấn mạnh rằng mỗi kỹ năng ở tầng dưới là điều kiện bắt buộc để xây dựng kỹ năng tầng trên. Nếu thiếu nền móng, “ngôi nhà” ngôn ngữ sẽ rất dễ đổ vỡ.
Cha mẹ hãy dạy trẻ mô hình nhà theo cách phân chia theo độ tuổi và mức độ phát triển của trẻ
5.3. Các bước dạy trẻ giao tiếp hiệu quả theo mô hình
Đánh giá chính xác năng lực hiện tại
Để áp dụng mô hình ngôi nhà giao tiếp một cách hiệu quả, điều quan trọng đầu tiên là cần đánh giá chính xác năng lực hiện tại của trẻ. Việc này không dựa hoàn toàn vào độ tuổi sinh học mà phải quan sát hành vi giao tiếp thực tế: trẻ đã biết chỉ tay chưa? Có đáp ứng khi được gọi tên không? Có khả năng chơi luân phiên hay bắt chước cử chỉ người lớn không? Phụ huynh và chuyên gia có thể sử dụng các công cụ như video ghi lại hoạt động hàng ngày, bảng theo dõi hành vi, hoặc các bài đánh giá chuyên môn để có cái nhìn khách quan và cụ thể.
Xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân hóa
Sau bước đánh giá, cần xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân hóa, thay vì áp dụng chương trình đại trà. Mỗi trẻ cần có mục tiêu cụ thể phù hợp với giai đoạn phát triển của mình chẳng hạn, một bé đang ở “tầng nền móng” sẽ tập trung vào việc học cách “chủ động ra hiệu để lấy đồ”, còn bé ở tầng cao hơn có thể học kỹ năng chơi luân phiên hoặc ghép từ đơn giản. Việc thiết kế đúng mục tiêu giúp trẻ không bị quá tải, đồng thời duy trì được động lực trong quá trình học.
Can thiệp sớm, có mục tiêu rõ ràng
Tiếp theo là can thiệp sớm và có mục tiêu rõ ràng theo từng tuần. Mỗi tuần nên tập trung vào một kỹ năng cụ thể, ví dụ: dạy trẻ dùng ánh mắt để yêu cầu hoặc chỉ tay vào vật mình muốn. Quá trình can thiệp cần có công cụ theo dõi tiến độ hàng tuần hoặc hàng tháng, để cha mẹ và chuyên gia dễ dàng đánh giá hiệu quả.
Đánh giá định kỳ điều chỉnh theo tiến triển của trẻ
Cuối cùng, cần thực hiện đánh giá định kỳ và điều chỉnh kế hoạch theo tiến triển thực tế. Nếu trẻ đã thuần thục các kỹ năng ở tầng hiện tại, có thể bắt đầu chuyển lên mục tiêu cao hơn. Ngược lại, nếu trẻ chưa vững nền tảng, cần kiên nhẫn củng cố lại trước khi “xây tầng mới”. Việc này đảm bảo mô hình ngôi nhà giao tiếp được xây dựng một cách vững chắc và bền vững, giúp trẻ chậm nói phát triển ngôn ngữ, tương tác xã hội và cảm xúc một cách toàn diện.
Hãy theo dõi định kỳ tình trạng của trẻ để điều chỉnh đánh giá kịp thời
6. Các công cụ và hoạt động hỗ trợ giao tiếp tại nhà
Công cụ hỗ trợ
Để giúp trẻ chậm nói phát triển kỹ năng giao tiếp tại nhà, cha mẹ có thể áp dụng nhiều công cụ trực quan và hoạt động tương tác đơn giản nhưng hiệu quả. Trước hết, các công cụ hỗ trợ giao tiếp rất cần thiết để trẻ có thể biểu đạt nhu cầu và cảm xúc khi chưa thể nói. Một số công cụ phổ biến gồm:
- Thẻ hình giao tiếp PECS (Picture Exchange Communication System) giúp trẻ chỉ vào hình để yêu cầu
- Bảng trực quan hoạt động trong ngày hỗ trợ trẻ hiểu trước các bước sẽ diễn ra
- Sách tranh tương tác hoặc bảng cảm xúc giúp trẻ nhận diện và chia sẻ cảm xúc của mình
- Video mô phỏng tình huống thực tế như đi chợ, đi học, ăn uống… nhằm giúp trẻ làm quen và ghi nhớ các hành vi giao tiếp cần thiết trong cuộc sống.
Hoạt động giao tiếp tương tác
Bên cạnh đó, các hoạt động giao tiếp tương tác tại nhà đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường học tự nhiên. Cha mẹ có thể cùng trẻ chơi trò chơi đóng vai như bán hàng, làm bác sĩ, đi siêu thị… để luyện cách hỏi đáp và tương tác xã hội.
Những trò chơi kết hợp ngôn ngữ và vận động như ném bóng và nói từ, thi kể chuyện theo hình ảnh cũng giúp trẻ phát triển vốn từ và khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt. Ngoài ra, đừng quên tổ chức trò chơi nhóm đơn giản như chơi luân phiên, chia lượt, hoặc bắt chước hành động những kỹ năng quan trọng đặt nền móng cho sự tương tác xã hội sau này.
Việc sử dụng các công cụ và hoạt động này không chỉ giúp trẻ giao tiếp tốt hơn mà còn tăng sự gắn kết giữa cha mẹ và con, tạo ra những khoảnh khắc vui vẻ, đầy cảm xúc từ đó giúp trẻ học ngôn ngữ một cách tự nhiên và hiệu quả hơn.
Các công cụ và hoạt động hỗ trợ giao tiếp tại nhà dành cho trẻ chậm nói
Theo Mirai Care, mô hình ngôi nhà giao tiếp không phải là một lý thuyết xa vời, mà là một hướng dẫn thiết thực giúp phụ huynh và chuyên gia đồng hành cùng trẻ trên hành trình phát triển ngôn ngữ. Khi bố mẹ hiểu được vai trò của từng “bộ phận” trong ngôi nhà từ sự chú ý chung, luân phiên, đến từ vựng và cấu trúc ngữ pháp việc dạy trẻ nói trở nên tự nhiên, hiệu quả và đúng nhịp phát triển của trẻ hơn. Đặc biệt với trẻ tự kỷ hoặc trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, áp dụng mô hình ngôi nhà giao tiếp không chỉ giúp tăng khả năng ngôn ngữ mà còn mở rộng cơ hội kết nối, xây dựng mối quan hệ xã hội bền vững và trọn vẹn hơn trong tương lai.
Bài viết phổ biến khác