phone

Gợi ý các bài tập giao tiếp bằng mắt cho trẻ tự kỷ

Gợi ý các bài tập giao tiếp bằng mắt cho trẻ tự kỷ

Tác giả:

Giao tiếp bằng mắt là một phần quan trọng trong quá trình tương tác xã hội và phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên, đối với trẻ tự kỷ, việc duy trì và sử dụng giao tiếp bằng mắt có thể gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những thách thức lớn mà các bậc cha mẹ và giáo viên phải đối mặt khi hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp. Hiểu được tầm quan trọng của giao tiếp bằng mắt và cách thức để khuyến khích trẻ tự kỷ thực hành kỹ năng này là bước quan trọng để cải thiện khả năng tương tác xã hội của trẻ. Trong bài viết này, Mirai Care sẽ gợi ý các bài tập giao tiếp bằng mắt cho trẻ tự kỷ nhằm phát triển kỹ năng giao tiếp, từ đó giúp trẻ hòa nhập tốt với môi trường xung quanh. 

1. 5 bài tập giao tiếp bằng mắt cho trẻ tự kỷ

Bài tập giao tiếp mắt cho trẻ tự kỷ sẽ được lựa chọn dựa trên từng độ tuổi cũng như mức độ của trẻ, sau đây chúng ta cùng tìm hiểu 5 bài tập cơ bản giúp trẻ tự kỷ cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng mắt.

5 bài tập giao tiếp bằng mắt cho trẻ tự kỷ

5 bài tập giao tiếp bằng mắt cho trẻ tự kỷ

1.1. Bài 1: Phân biệt các màu sắc

Phân biệt màu sắc là một kỹ năng cơ bản giúp trẻ nhận biết và tương tác với thế giới xung quanh. Đối với trẻ tự kỷ, việc học phân biệt màu sắc có thể yêu cầu phương pháp dạy đặc biệt để giúp trẻ tiếp thu một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, bài tập phân biệt màu sắc còn giúp cha mẹ hay cô giáo phát hiện được trẻ tự kỷ có gặp vấn đề mù màu không, từ đó có thể giúp trẻ nhận biết được màu sắc.

Cách thực hiện cho bài tập này vô cùng đơn giản, chúng ta có thể vừa học vừa chơi với con. Thông qua các vật dụng mà trẻ thường xuyên tiếp xúc, chúng ta giúp trẻ nhận biết màu sắc bằng cách đặt các vật dụng này trước mặt trẻ và yêu cầu trẻ chỉ ra hoặc gọi tên màu sắc của từng đồ vật. Một cách khác như chuẩn bị các thẻ màu hoặc các mảnh giấy với các màu khác nhau. Đưa cho trẻ một mẫu màu và yêu cầu trẻ tìm các thẻ màu giống nhau từ một nhóm các thẻ. 

Khi thực hiện các bài tập này, hãy đảm bảo môi trường học tập của trẻ thoải mái và không bị xao nhãng. Đồng thời, hãy luôn khen ngợi và động viên trẻ mỗi khi trẻ hoàn thành một nhiệm vụ để tạo động lực học tập cho trẻ.

Các hoạt động nhận biết màu sắc giúp trẻ rèn luyện trí tuệ

Các hoạt động nhận biết màu sắc giúp trẻ rèn luyện trí tuệ

1.2. Bài 2: Di chuyển mắt

Bài tập này giúp trẻ cải thiện khả năng theo dõi chuyển động, tăng cường sự chú ý và tương tác xã hội. Chẳng hạn như sử dụng đồ chơi di chuyển để khuyến khích trẻ theo dõi sự chuyển động của vật thể từ trái sang phải hoặc từ trên xuống dưới. Ngoài ra, trò chơi ánh sáng với đèn pin cũng là một cách thú vị để trẻ luyện tập di chuyển mắt, khi ánh sáng di chuyển chậm rãi trên tường hoặc sàn nhà, trẻ sẽ học cách theo dõi và tập trung vào chuyển động. 

Những bài tập này không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng cơ bản mà còn tạo ra môi trường học tập vui nhộn và hấp dẫn, khuyến khích trẻ tham gia và thực hành thường xuyên. Lưu ý nên di chuyển nhẹ nhàng để trẻ thích ứng và theo dõi, tránh thực hành quá nhanh vì trẻ dễ mất tập trung và bị chóng mặt.

1.3. Bài 3: Xâu hạt

Bài tập xâu hạt không chỉ giúp trẻ luyện tập sự khéo léo của đôi tay mà còn tạo cơ hội cho trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn và sự chú ý đến chi tiết. Bắt đầu bằng cách chuẩn bị các hạt có kích thước lớn và một sợi dây chắc chắn. Hãy chọn những hạt có màu sắc tươi sáng để thu hút sự chú ý của trẻ. Khi trẻ đã quen với việc xâu các hạt lớn, bạn có thể từ từ chuyển sang các hạt nhỏ hơn để tăng độ khó. Trong quá trình xâu hạt, hãy khuyến khích trẻ đọc tên cho các màu sắc và hình dạng của từng hạt để tăng cường kỹ năng ngôn ngữ. 

1.4. Bài 4: Nhìn qua ống nhòm

Ống nhòm là một dụng cụ hầu hết mọi trẻ em đều hứng thú. Việc tạo sự mới lạ để kích thích tính tò mò cho trẻ tự kỷ là một phương pháp hữu hiệu để cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng mắt cho chúng. Khi thực hành nhìn qua ống nhòm, trẻ tự kỷ như được gần hơn với thiên nhiên giúp trẻ cởi bỏ sự xa cách với thế giới bên ngoài.

1.5. Bài 5: Tập trung nhìn vào một vật thể

Tập trung nhìn vào một vật thể là một kỹ năng cơ bản giúp trẻ tự kỷ cải thiện sự tập trung. Để thực hiện bài tập này, cha mẹ có thể sử dụng các đồ vật màu sắc rực rỡ hoặc có âm thanh để thu hút sự chú ý của trẻ. Đặt vật thể ở một khoảng cách vừa phải và yêu cầu trẻ nhìn vào nó trong một khoảng thời gian nhất định, ví dụ 5-10 giây. Trong quá trình thực hiện, hãy khuyến khích trẻ giữ ánh mắt cố định vào vật thể và khen ngợi khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ. Nếu trẻ gặp khó khăn, bạn có thể di chuyển vật thể từ từ để hướng dẫn trẻ tập trung.

Nếu yêu cầu trẻ nhìn chăm chăm vào một vật thể ở khoảng cách gần hoặc nhìn quá lâu sẽ gây tình trạng đau mỏi mắt cho trẻ, trẻ sẽ khó chịu và kháng cự khi thực hiện bài tập này. Hãy điều chỉnh thời gian thực hành hợp lý để trẻ thoải mái trong quá trình tập. Lưu ý rằng nên áp dụng bài tập này cho trẻ tự kỷ nhẹ sẽ phát huy tác dụng tốt hơn vì trẻ có khả năng tập trung lâu hơn. 

Luyện tập khả năng tập trung vào một vật ở trẻ tự kỷ

Luyện tập khả năng tập trung vào một vật ở trẻ tự kỷ

2. Tại sao giao tiếp bằng mắt lại khó khăn ở người tự kỷ?

Đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao trẻ tự kỷ không giao tiếp bằng mắt. Tại Đại học Yale (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã tiến hành quét não để so sánh hoạt động não trong quá trình giao tiếp bằng mắt của nhóm người tự kỷ và nhóm người bình thường. Kết quả cho thấy khi giao tiếp bằng mắt, ở trẻ tự kỷ sẽ có sự kích thích hoạt động ở nhiều vùng não khác nhau hơn, điều này khiến cho trẻ tự kỷ tỏ ra lo lắng và né tránh ánh mắt của người khác khi nói chuyện.

Các nghiên cứu liên quan đến sự giao tiếp bằng mắt ở trẻ tự kỷ cho thấy rằng nguyên nhân chính là nằm ở sự phức tạp của hệ thần kinh trong hoạt động của não bộ. Các nhà khoa học nhân ra vùng vỏ não đỉnh lưng gây ra những khó khăn trong giao tiếp bằng mắt ở trẻ tự kỷ: 

  • Kích hoạt vỏ não đỉnh lưng: Vùng này có thể bị kích thích quá mức hoặc không hoạt động đúng cách ở trẻ tự kỷ.
  • Suy giảm khả năng giao tiếp bằng mắt ngắn và dài: Hoạt động không đầy đủ của vỏ não đỉnh lưng góp phần gây ra khó khăn cho trẻ tự kỷ trong việc duy trì giao tiếp bằng mắt ngắn và dài.

Chức năng não bộ của trẻ tự kỷ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp bằng mắt

Chức năng não bộ của trẻ tự kỷ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp bằng mắt

3. Làm thế nào để giúp trẻ tự kỷ cải thiện giao tiếp bằng mắt?

Trong các cuộc hội thoại, người ta nhận thấy giao tiếp bằng ánh mắt chiếm hơn 50% sự hiệu quả và tin cậy. Tuy nhiên đối với trẻ tự kỷ, việc giao tiếp bằng ánh mắt trở nên khó khăn khi chúng không thể tập trung tại một điểm, vì thế gây nên nhiều cản trở trong các mối quan hệ xã hội. Vậy làm thế nào để giúp trẻ tự kỷ giao tiếp bằng mắt một cách tốt hơn?

3.1. Tăng cường tiếp xúc bằng mắt một cách tự nhiên

Tăng cường tiếp xúc bằng mắt một cách tự nhiên có thể được thực hiện bằng cách tích hợp các cơ hội giao tiếp vào các hoạt động hàng ngày mà trẻ cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Một cách hiệu quả là kết hợp việc duy trì giao tiếp bằng mắt vào các tình huống thường nhật như ăn uống, chơi đùa hoặc đọc sách cùng nhau. 

Đồng thời, việc sử dụng các hình ảnh hoặc biểu cảm vui nhộn có thể giúp trẻ hiểu để tạo mối liên kết giữa cảm xúc và biểu hiện khuôn mặt. Sự khen ngợi và động viên khi trẻ duy trì giao tiếp bằng mắt, làm cho trẻ cảm thấy việc nhìn vào mắt người khác là một điều bình thường và chúng có thể làm được.

Động viên trẻ để giúp chúng tự tin hơn

Động viên trẻ để giúp chúng tự tin hơn

3.2. Trò chuyện về các môn học yêu thích của con bạn

Trò chuyện là bước đầu để cha mẹ và con cái có sự gắn kết tình cảm. Thường xuyên hỏi trẻ về môn học mà trẻ thích nhất hoặc điều gì mà trẻ cảm thấy vui khi học. Ví dụ, bạn có thể hỏi: "Con thích nhất môn học nào ở trường?" hay "Con cảm thấy thế nào khi làm bài tập về môn này?" hoặc "Có phần nào trong môn học này mà con thấy thú vị không?",... Những cuộc trò chuyện này không chỉ giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu mà còn tạo cơ hội cho trẻ luyện tập kỹ năng giao tiếp cũng như phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên, thoải mái.

3.3. Mô hình tạo giao tiếp bằng mắt

Trẻ em có một khả năng bắt chước rất tốt. Bạn có thể tạo một không gian trò chuyện giữa bạn và một người khác, trẻ tự kỷ nhìn thấy bạn giao tiếp sẽ kích thích sự tò mò, có thể chúng sẽ muốn giao tiếp khi tương tác với người khác.

3.4. Định hình hành vi

Bài tập này sẽ giúp trẻ tự kỷ biết chúng nên làm gì trong trường hợp hay cuộc hội thoại đó. Khi giao tiếp nếu trẻ có xu hướng nhìn xuống sàn nhà và hiếm khi nhìn về phía ai đó khi họ đang nói chuyện, bạn có thể cố gắng điều chỉnh trẻ quay đầu hoặc xoay cơ thể của chúng một chút theo hướng của người nói.

Sau đó, cố gắng để trẻ nhìn một phần khuôn mặt của người nói, chẳng hạn như cằm của họ. Tiếp tục quá trình này cho đến khi trẻ nhìn vào mắt người nói một lần trong suốt cuộc trò chuyện. Cứ thế tiếp tục thực hiện điều này cho đến khi trẻ có thể giao tiếp bằng mắt, ít nhất một lần trong cuộc trò chuyện đó. Tuy nhiên đừng cố ép chúng vào khuôn khổ vì sẽ gây ra cảm giác ép buộc, trẻ sẽ khó chịu và không muốn giao tiếp nữa.

Định hình hành vi cho trẻ tự kỷ trong giao tiếp

Định hình hành vi cho trẻ tự kỷ trong giao tiếp

3.5. Giúp con bạn thoải mái khi học cách giao tiếp bằng mắt

Bài tập giao tiếp bằng mắt nên được bắt đầu từ những người thân trong gia đình. Bởi trẻ sẽ nhận biết được sự quen thuộc đến từ ông bà, cha mẹ, anh chị,... khi ấy sẽ tạo ra cảm giác gần gũi, thoải mái giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp. 

3.6. Tạm dừng để khuyến khích giao tiếp bằng mắt

Khi trẻ yêu cầu một điều gì đó, cha mẹ hãy quan sát con trẻ có thực hiện giao tiếp bằng mắt hay không. Nếu trẻ không nhìn thì nhắc nhở trẻ nhìn đúng và lặp lại yêu cầu đó, điều này giúp trẻ hình thành thói quen giao tiếp mắt với mọi người.

3.7. Sử dụng hỗ trợ trực quan

Kết hợp hành động trong giao tiếp để trẻ xác định được mình đang nói về vấn đề gì. Ví dụ khi giao tiếp, con bạn không nhìn vào mắt bạn, bạn chỉ tay từ mắt con qua mắt bạn, để con trẻ hình dung được đường đi của ánh mắt giúp chúng thực hiện theo.

4. Một số lưu ý khi áp dụng bài tập mắt cho trẻ tự kỷ

Khi áp dụng bài tập giao tiếp bằng mắt cho trẻ tự kỷ, có một số lưu ý quan trọng cần xem xét để đảm bảo hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của trẻ.

  • Tạo môi trường yên tĩnh và thoải mái giúp trẻ tập trung vào bài tập mà không bị phân tâm bởi các yếu tố xung quanh
  • Sử dụng bài tập đơn giản và ngắn để tránh làm trẻ cảm thấy quá tải, sau đó dần dần tăng độ khó một cách từ từ
  • Sử dụng các vật dụng và trò chơi thú vị có thể giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn và dễ tiếp thu bài tập 
  • Duy trì trong việc thực hiện các bài tập và khuyến khích trẻ bằng cách khen ngợi mỗi khi trẻ cố gắng hoặc hoàn thành bài tập để tạo động lực tích cực

Theo dõi phản ứng của trẻ và điều chỉnh bài tập nếu cần, đồng thời trao đổi với các chuyên gia về những phương pháp phù hợp để giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp bằng mắt một cách hiệu quả.

Các bài tập giao tiếp bằng mắt không chỉ giúp trẻ cải thiện khả năng tập trung và kết nối với người khác mà còn tạo cơ hội cho trẻ thể hiện bản thân một cách tự tin hơn. Các gợi ý bài tập giao tiếp bằng mắt cho trẻ tự kỷ trên nên kết hợp với sự kiên nhẫn và động viên của cha mẹ, giáo viên để hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp bằng mắt một cách tự nhiên và hiệu quả. Mong rằng những nỗ lực này không chỉ giúp trẻ hòa nhập tốt hơn vào môi trường xung quanh mà còn mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển toàn diện và sự tương tác xã hội của trẻ trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

  • https://behavioral-innovations.com/blog/children-with-asd-improve-eye-contact/#why-is-eye-contact-hard - 7 Tips to Help Children with ASD Improve Eye Contact
  • https://www.medicoexperts.com/how-to-improve-eye-contact-in-autism/ - Understanding the role of eye contact in autistic individuals?