Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi
Tác giả: Nguyễn Thị Linh , bài viết được tư vấn chuyên môn bởi: Giáo sư Hiroyuki Abe Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Tokyo Cancer Clinic
Ung thư phổi là một căn bệnh đáng sợ với tỷ lệ tử vong cao và tác động nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên trong những năm gần đây, bằng cách ứng dụng điều trị miễn dịch ung thư phổi, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận được những tiến bộ đáng kể trong điều trị và kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Mặc dù chưa phải là một phương pháp triệt để nhưng điều trị miễn dịch đang mở ra một triển vọng mới trong việc chống lại căn bệnh ác tính này.
Nội dung bài viết
1. Ung thư phổi là gì? Có những loại ung thư phổi nào?
1.1. Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi xuất hiện khi các tế bào ác tính phát triển vượt tầm kiểm soát
Ung thư là căn bệnh mà các tế bào trong cơ thể phát triển ngoài tầm kiểm soát. Khi ung thư bắt đầu trong phổi, nó được gọi là ung thư phổi. Ung thư phổi thường nhen nhóm từ trong các tế bào lót phế quản và các bộ phận của phổi như tiểu phế quản hoặc phế nang.
Bệnh không chỉ xuất hiện cố định trong phổi mà còn có thể lan đến các hạch bạch huyết hoặc cơ quan khác trong cơ thể, chẳng hạn như não. Ở chiều ngược lại, ung thư từ các cơ quan khác cũng có thể lan đến phổi. Khi các tế bào ung thư lây lan từ cơ quan này sang cơ quan khác, chúng được gọi là di căn.
>>> Có thể bạn quan tâm dấu hiệu ung thư phổi không thể chủ quan
1.2. Có những loại ung thư phổi nào?
Có 2 loại ung thư phổi: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ ít phổ biến hơn, chỉ chiếm 15 - 20%, ung thư phổi không tế bào nhỏ có tỷ lệ mắc cao hơn, chiếm đến 80 - 85%.
Ung thư phổi tế bào nhỏ có xu hướng phát triển và lây lan nhanh hơn ung thư phổi không tế bào nhỏ. Ở hầu hết những người bị ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư đã lan ra ngoài phổi vào thời điểm được chẩn đoán. Vì loại ung thư này phát triển nhanh chóng nên chúng có xu hướng chỉ đáp ứng tốt với hóa trị và xạ trị. Thật không may với những người mắc bệnh này vì khả năng tái phát của ung thư phổi tế bào nhỏ là rất cao.
Các tế bào ung thư phát triển nhanh chóng và có tốc độ lây lan nhanh trong phổi
Các phân nhóm chính của ung thư phổi không tế bào nhỏ là ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào lớn. Các phân nhóm này bắt nguồn từ các loại tế bào phổi khác nhau nhưng được nhóm lại với nhau vì cách điều trị và tiên lượng của chúng thường giống nhau.
- Ung thư biểu mô tuyến: Bắt đầu trong các tế bào thường tiết ra các chất như chất nhầy. Loại ung thư phổi này xảy ra chủ yếu ở những người hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc, phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới và có nhiều khả năng xảy ra ở người trẻ so với các loại ung thư phổi khác.
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Bắt đầu trong các tế bào vảy là những tế bào phẳng lót bên trong đường dẫn khí trong phổi. Bệnh thường liên quan đến những người có tiền sử hút thuốc. Tế bào ung thư khi ấy có xu hướng được tìm thấy ở phần trung tâm của phổi, gần đường dẫn khí chính (phế quản).
- Ung thư biểu mô tế bào lớn: Có thể xuất hiện ở bất kỳ phần nào của phổi. Vì có xu hướng phát triển và lây lan nhanh chóng nên việc điều trị ung thư biểu mô tế bào lớn thường gặp nhiều khó khăn.
>>> Xem thêm về triệu chứng ung thư phổi giai đoạn đầu
2. Vai trò của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi
Bằng cách tăng cường hệ miễn dịch, người bệnh có thể kéo dài thời gian sống
Thông thường, hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể sẽ phát hiện và tiêu diệt tế bào bất thường, đồng thời ngăn chặn sự phát triển vượt mức của tế bào ung thư. Nhờ vậy con người được giữ trong trạng thái khoẻ mạnh, không xuất hiện bệnh tật.
Tuy nhiên bất kỳ hệ thống nào cũng có lỗ hổng của nó. Các tế bào ung thư ngày càng thông minh hơn có thể lẩn tránh sự tiêu diệt của hệ thống miễn dịch bằng cách thay đổi về protein, gene. Khi ấy, liệu pháp miễn dịch sẽ có chức năng giúp hệ thống miễn dịch nhạy bén hơn, nhận biết được các tế bào ung thư đã biến đổi để tiêu diệt kịp thời.
Một số liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi đang được nghiên cứu và ứng dụng như:
- Liệu pháp kháng thể đơn dòng: Sử dụng các protein của hệ miễn dịch để gắn vào tế bào ung thư. Khi ấy, các kháng thể đơn dòng này sẽ hỗ trợ tế bào miễn dịch nhận biết tốt và tiêu diệt dễ dàng tế bào ung thư hơn.
- Liệu pháp tế bào CAR-T: Đầu tiên, tế bào miễn dịch được lấy ra từ máu người bệnh. Sau đó, chúng được xử lý trong phòng thí nghiệm để nhận điện đặc hiệu loại ung thư cần điều trị. Những tế bào miễn dịch này kế đến được truyền lại vào cơ thể người bệnh. Tại đây, chúng sẽ giúp cho hệ miễn dịch chống lại tế bào bướu mạnh mẽ hơn.
- Vắc xin trị liệu: Tế bào ung thư thường chứa các kháng nguyên liên quan đến bướu (tumor-associated antigens). Trên các tế bào thường, những kháng nguyên này vốn không có hoặc có rất ít. Vắc xin trị liệu khi ấy sẽ giúp hệ miễn dịch “tinh vi” hơn trong việc nhận biết, tác động đến kháng nguyên, từ đó tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả.
3. Điều trị ung thư phổi bằng phương pháp miễn dịch theo từng giai đoạn
3.1. Điều trị miễn dịch ung thư phổi giai đoạn sớm
Phẫu thuật là giải pháp thường được chỉ định cho người bệnh giai đoạn I, II
Người bệnh ung thư phổi giai đoạn sớm (giai đoạn I, II) thường được bác sĩ chỉ định phẫu thuật như một phương pháp điều trị chính. Bên cạnh đó, tùy theo từng trường hợp khách hàng cụ thể mà bác sĩ có thể đưa ra chỉ định hoá trị hoặc xạ trị tiếp theo.
Ở người bệnh ung thư phổi giai đoạn III, các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng di căn hạch, kích thước, vị trí khối bướu và khả năng phẫu thuật để lựa chọn các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Một số bệnh nhân còn được chỉ định kết hợp giữa hoá trị và xạ trị nếu như không thể phẫu thuật.
Thế nhưng có một vấn đề xảy ra là mặc dù đã được kết hợp nhiều phương pháp điều trị nhưng tiên lượng của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn III (không thể phẫu thuật) rất ít khả quan. Thời gian sống 5 năm của họ khi ấy chỉ khoảng 15%.
Để khắc phục tình trạng này, một nghiên cứu PACIFIC được tiến hành trên hơn 700 bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn III. Họ đều có đặc điểm không thể phẫu thuật được, đồng thời đã được hóa xạ trị trước đó nhưng không tiến triển. Người bệnh lúc này được bổ sung kháng thể kháng PD-L1 là durvalumab.
Theo dõi trong khoảng 25 tháng, kết quả cho thấy việc sử dụng durvalumab sau hóa xạ trị đã giúp kéo dài thời gian sống của người bệnh so với khi không điều trị bằng durvalumab. Thành công của nghiên cứu này cũng đã giúp cho Tổ chức Thuốc và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cấp phép sử dụng durvalumab trong điều trị ung thư phổi giai đoạn III.
3.2. Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư phổi trong giai đoạn tiến xa di căn
Ở người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ đã bước vào giai đoạn tiến xa, di căn nhưng không tồn tại các đột biến Gen quan trọng, việc sử dụng liệu pháp miễn dịch có thể giúp họ kéo dài thời gian sống hơn.
Theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ, nếu bệnh nhân có biểu hiện PD-L1 ≥ 50% thì nên sử dụng thuốc kháng thể kháng PD-1 pembrolizumab, nếu bệnh nhân có biểu hiện PD-L1 < 50% thì nên hóa trị kết hợp với pembrolizumab.Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa kỳ vào tháng 4/2020, báo cáo dựa trên nghiên cứu KEYNOTE-189 cho thấy: Sau thời gian theo dõi khoảng 10,5 tháng trên 616 bệnh nhân, kết quả đáng mừng rằng những bệnh nhân được hóa trị kết hợp pembrolizumab đều giảm 51% nguy cơ tử vong so với nhóm chỉ hóa trị.
Đặc biệt, sau 1 năm, có đến 69,2% bệnh nhân trong nhóm kết hợp pembrolizumab và hoá trị vẫn còn sống. Trong khi tỉ lệ này ở nhóm hóa trị chỉ có 49,4% bệnh nhân. Về thời gian từ lúc bắt đầu điều trị đến khi bệnh tiến triển, nhóm sử dụng liệu pháp miễn dịch ung thư phổi kéo dài 8,8 tháng - Con số này gần gấp đôi so với nhóm hóa trị là 4,9 tháng.
Tương tự, theo nghiên cứu IMpower 150 trên 1202 người bệnh ung thư, việc sử dụng kết hợp 4 loại thuốc gồm 1 thuốc miễn dịch, 2 thuốc hóa trị và 1 thuốc kháng sinh cũng cho hiệu quả kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Trong tương lai, điều trị miễn dịch ung thư phổi sẽ tiếp tục phát triển và mang lại hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới. Với việc sử dụng các loại tế bào miễn dịch, vắc xin và kháng thể, chúng ta sẽ tìm ra những phác đồ điều trị tối ưu và cá nhân hóa cho từng bệnh nhân. Điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng cường cơ hội sống sót cho những người mắc bệnh ung thư phổi.
4. Mirai Care - Đơn vị kết nối liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư phổi uy tín
Nhật Bản là quốc gia có chất lượng y tế hàng đầu thế giới, Theo bảng thống kê Chỉ số chăm sóc sức khỏe ấn bản năm 2021 của tạp chí CEOWORLD (Hoa Kỳ), Nhật Bản xếp hạng thứ 5 trong 89 quốc gia, vượt qua một số quốc gia tại châu Âu như Pháp, Anh, Australia, v.v. về mức độ chuyên nghiệp, năng lực của đội ngũ y tế. Trong đó, với lĩnh vực bệnh học Ung thư, Nhật Bản là quốc gia đi đầu về công nghệ điều trị và trình độ điều trị của đội ngũ Y Bác sĩ.
Hiện nay, người Việt để tiếp cận được những công nghệ điều trị ung thư phổi hiện đại, cần sang các nước có nên y tế tiên tiến để điều trị. Và Nhật Bản là một trong số đó. Hiểu được điều đó, Mirai Care là đơn vị kết nối người bệnh sang Nhật điều trị miễn dịch ung thư phối. Chúng tôi liên kết hơn 300 bệnh viện, phòng khám chuyên khoa hàng đầu, có khả năng kết nối khách hàng đến đơn vị điều trị miễn dịch ung thư phổi có chuyên môn cao nhất, trang thiết bị hiện đại với chi phí hợp lý.
Trên đây là những thông tin mà Mirai Care muốn chia sẻ với bạn về liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi. Nội dung bài viết không phải là kết luận chẩn đoán hay lời khuyên điều trị, để biết rõ về tình trạng hiện tại của mình, bạn đọc nên đến cơ sở y tế uy tín, các bệnh viện lớn để thăm khám hoặc liên hệ với Mirai Care qua hotline 18008144, đội ngũ chuyên gia của chúng tôi sẽ tư vấn liệu pháp phù hợp và kết nối bạn sang điều trị tại Nhật Bản với mức chi phí hợp lý nhất.
—
Tài liệu tham khảo:
- https://www.cancer.org/cancer/types/lung-cancer/about/what-is.html
- https://www.cdc.gov/cancer/lung/basic_info/what-is-lung-cancer.html
Câu hỏi thường gặp về liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư phổi
Bài viết phổ biến khác