phone

Xây dựng chế độ ăn cho người tiểu đường tuýp 2

Xây dựng chế độ ăn cho người tiểu đường tuýp 2

Tác giả:

Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2, một trong những điều lo ngại đầu tiên của họ chính là chế độ ăn uống. Người bệnh khi ấy phải đối mặt với vô số câu hỏi: Mình có nên ăn thực phẩm này hay không, thức ăn này có ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết hay không,... Điều này khiến tâm trạng của người bệnh lo lắng, áp lực và dễ làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Ở bài viết này, Mirai Care sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết để xây dựng chế độ ăn cho người tiểu đường tuýp 2, giúp họ kiểm soát được lượng đường trong máu sau mỗi bữa ăn.

1. Vai trò quan trọng của chế độ ăn đối với người bệnh tiểu đường tuýp 2

Đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiểm soát đường huyết. Tuỳ vào lối sống, tình trạng bệnh của từng người mà thực đơn sẽ khác nhau. Một yếu tố đặc biệt cần được chú ý đó chính là sự cân bằng dưỡng chất trong thực đơn bởi bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường thường hay sụt cân.  Vậy lợi ích của việc xây dựng chế độ ăn đối với người bệnh tiểu đường tuýp 2 như thế nào?

1.1. Giảm lượng đường trong máu

Việc lựa chọn những thực phẩm có chỉ số GI thấp giúp quá trình giải phóng glucose vào máu sẽ diễn ra một cách từ từ, không gây tăng đường huyết đột ngột. Lượng đường trong máu được hạ xuống ở mức ổn định có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh tiểu đường và giảm nguy cơ biến chứng sức khỏe.

1.2. Giảm cân lành mạnh hơn

Khi bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ sụt cân đột ngột rất cao vì glucose không được insulin ly giải để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể sống. Vì vậy để cơ thể hoạt động được, não sẽ ra tín hiệu thu thập năng lượng từ cơ, mỡ,... Khi đó cân nặng của bệnh nhân sẽ giảm một cách rất nguy hiểm. Chính vì thế, cần cân bằng dưỡng chất, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cải thiện tình trạng bệnh và lựa chọn phương pháp giảm cân khoa học hơn. Cần theo dõi chỉ số HbA1c để đưa ra hướng điều trị hiệu quả vì chỉ số này phản ánh mức độ đường huyết trung bình từ 2-3 tháng. 

Vai trò quan trọng trong việc lựa chọn thực đơn cho người tiểu đường tuýp 2

Vai trò quan trọng trong việc lựa chọn thực đơn cho người tiểu đường tuýp 2

2. Phương pháp lập kế hoạch thực đơn cho người bị tiểu đường tuýp 2

Để có được một chế độ ăn hiệu quả cho người tiểu đường tuýp 2, bạn cần nắm rõ được phương pháp để lập ra kế hoạch thực đơn cho mình.

2.1. Tính lượng Carbs

Lượng Carbs đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết sau ăn. Cần xem xét đến yếu tố bệnh nhân đang gầy, thừa cân hay béo phì kết hợp với tình trạng bệnh lý của họ (đường huyết đói và nồng độ lipid trong máu), tính chất lao động và thói quen ăn uống hàng ngày để tính được lượng Carbs phù hợp. 

Theo dõi lượng Carbs người bệnh đang ăn hằng ngày và đặt giới hạn cho mỗi bữa ăn có thể giúp giữ lượng đường trong máu ở mức mục tiêu. Bạn cần thảo luận với bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng để nhận được những tư vấn cụ thể về lượng Carbs người bệnh có thể ăn bao nhiêu mỗi ngày và trong mỗi bữa ăn, sau đó tham khảo danh sách các loại thực phẩm phổ biến có chứa Carbs trong từng khẩu phần ăn. 

Tính toán lượng Carbs cơ thể hấp thu được sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát đường huyết tốt

Tính toán lượng Carbs cơ thể hấp thu được sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát đường huyết tốt

2.2. Sử dụng đĩa thức ăn (Dĩa thức ăn = 25cm)

Phương pháp sử dụng đĩa thức ăn (Plate Method) là cách ăn đơn giản để tạo ra thực đơn có đủ dinh dưỡng và giúp kiểm soát đường huyết cho người tiểu đường tuýp 2.

  • Chia đĩa đôi: Theo hướng dẫn, ½ đĩa sẽ là thức ăn bao gồm rau củ quả ít tinh bột, ít đường. Tuy nhiên cần lưu ý rằng một số củ quả như khoai lang, khoai tây, khoai mỡ,... cần được hạn chế tránh gây tăng đường huyết không kiểm soát.
  • Chia đôi ½ phần đĩa còn lại để được ¼ tổng đĩa: Phần đĩa này là các thực phẩm thuộc nhóm protein. Thực phẩm chứa nhiều protein có nguồn gốc từ động vật thường có nhiều mỡ bão hòa, làm gia tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch. Các loại thức ăn giàu đạm được khuyến khích sử dụng như cá, đậu nành, đậu hũ,...
  • Phần đĩa còn lại: Trong phần ăn này, chứa nhóm thực phẩm gây tăng đường huyết cao gồm thực phẩm giàu tinh bột như cơm, trái cây, rau củ,... Chính vì vậy, cần hạn chế và sử dụng lượng thức ăn vừa phải để tránh tăng đường huyết đột ngột sau ăn.

Cân bằng bữa ăn bằng phương pháp MyPlate rất hiệu quả trên bệnh nhân kiểm soát cân nặng và đường huyết

Cân bằng bữa ăn bằng phương pháp MyPlate rất hiệu quả trên bệnh nhân kiểm soát cân nặng và đường huyết

2.3. Tính khẩu phần ăn bằng bàn tay

Một cách khác để kiểm soát thực đơn cho người bệnh tiểu đường tuýp 2 là ước lượng khẩu phần trong một bữa ăn theo nguyên tắc bàn tay Zimbabwe:

  • Tinh bột: Lượng carbohydrate cung cấp cho bệnh nhân được tính bằng 1 nắm tay (nếu là người lao động thì 2 nắm tay)
  • Chất đạm: Nhóm thực phẩm giàu protein được khuyến nghị sử dụng có số lượng bằng lòng bàn tay, độ dày bằng ngón tay út
  • Chất xơ: Thực phẩm thuộc nhóm chất xơ được ưu tiên dùng với lượng lớn, cụ thể là 2 lòng bàn tay như cải xanh, bông cải, rau ngót,...
  • Chất béo: Giới hạn lượng chất béo bằng với đốt đầu tiên của ngón cái. Nên chọn các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu mè, dầu ô liu, dầu hướng dương,... hỗ trợ tốt cho sức khỏe tim mạch

2.4. Thiết lập mức năng lượng tùy theo cá nhân

Phương pháp này người bệnh có thể nhờ sự trợ giúp của app để tính được năng lượng cần thiết cung cấp cho cơ thể. Lượng calo tính được phụ thuộc vào cân nặng, chiều cao, lối sống của người bệnh, từ đó sẽ giúp bệnh nhân lập ra được mục tiêu cụ thể cho quá trình điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2.

Tuỳ thuộc vào thói quen ăn uống và lối sống mà người bệnh thiết kế chế độ ăn phù hợp

Tuỳ thuộc vào thói quen ăn uống và lối sống mà người bệnh thiết kế chế độ ăn phù hợp

2.5. Thiết lập chế độ ăn theo lời khuyên bác sĩ

Tham khảo ý kiến của bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải đáp thắc mắc “người bệnh tiểu đường tuýp 2 nên ăn gì”. Bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, bác sĩ sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng thể hơn về lợi ích của việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý trong hành trình kiểm soát tốt bệnh của mình.

3. Thực phẩm nên bổ sung trong chế độ ăn cho người tiểu đường tuýp 2

Đối với bệnh tiểu đường tuýp 2, người bệnh cần đảm bảo lựa chọn và tuân theo một chế độ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng nhưng chỉ số đường huyết (GI) thấp để giúp cung cấp đầy đủ chất xơ, vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần đến. Các loại thực phẩm bao gồm:

3.1. Thực phẩm có chứa carbohydrate

Thực phẩm có chứa carbohydrate như tinh bột, rau củ chứa tinh bột, trái cây, các loại đậu và các sản phẩm từ sữa cần được kiểm soát trong khẩu phần vì những thực phẩm này có chứa carbohydrate. Tuy carbohydrate tác động nhiều đến lượng đường trong máu nhưng bệnh nhân không nên cắt bỏ hoàn toàn khỏi thực đơn mà chỉ nên kiểm soát trong giới hạn cho phép.

3.2. Thực phẩm có chứa protein

Các loại thực phẩm chứa protein bao gồm thịt heo nạc, thịt gà trắng, cá, đậu phụ và thịt bò nạc có tác dụng làm no và hỗ trợ sản xuất cơ bắp, tăng cường miễn dịch cũng như khả năng chống lại bệnh.

3.3. Thực phẩm có chứa chất béo có lợi cho tim

Các chất béo có lợi cho tim giúp tăng cảm giác no, hỗ trợ giảm viêm và hỗ trợ mức cholesterol khỏe mạnh. Hiệp Hội ADA Hoa Kỳ cũng đã khuyến nghị người bệnh tiểu đường tuýp 2 cần sử dụng các thực phẩm bao gồm đậu, rau lá xanh đậm, trái cây họ cam quýt, cà chua, các loại hạt, cá giàu omega-3, các sản phẩm từ sữa ít béo và ngũ cốc nguyên hạt để cải thiện tình trạng bệnh.

Chất béo tốt cung cấp lượng dinh dưỡng hiệu quả cho bệnh nhân 

Chất béo tốt cung cấp lượng dinh dưỡng hiệu quả cho bệnh nhân 

4. Thực đơn 1 tuần cho người tiểu đường

Dưới đây là thực đơn gợi ý cụ thể dành cho người bị tiểu đường tuýp 2 trong vòng một tuần. Thực đơn này chỉ mang tính chất tham khảo và cần được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và y tế của mỗi người:

Thứ Hai

  • Bữa sáng: Bánh mì nguyên cám ăn kèm hỗn hợp trái cây tươi và một cốc sữa không đường.
  • Bữa trưa: Gà nướng kết hợp rau xanh, cà chua, thêm ít dầu olive và một cốc nước lọc.
  • Bữa chiều: Cơm gạo lứt ăn cùng rau cải xanh hấp và một miếng cá hồi nướng. Sau đó ăn một chén súp rau cải và một quả táo.

Thứ Ba

  • Bữa sáng: Một cốc sữa chua không đường pha với hạt giống lúa mạch và hỗn hợp trái cây ít đường.
  • Bữa trưa: Bún ăn cùng gà hoặc bò, thêm rau sống.
  • Bữa chiều: Cơm gạo lứt hấp hoặc nấu cùng rau cải xanh hấp và một miếng thịt gà nướng. Ăn kết hợp cùng salad cà rốt và một quả cam.

Thứ Tư

  • Bữa sáng: Cháo yến mạch pha với nước hoặc sữa không đường ăn kèm hạt ngũ cốc
  • Bữa trưa: Cơm trắng với thịt gà hoặc cá. Ăn kèm rau sống và một cốc nước lọc.
  • Bữa chiều: Cơm lứt nấu cùng rau cải xanh hấp và một miếng thịt bò nướng. Sau đó là canh cải ngọt và một quả chuối.

Thứ Năm

  • Bữa sáng: Bánh mì ngũ cốc ăn kèm hỗn hợp trái cây tươi và một cốc sữa không đường.
  • Bữa trưa: Salad cá ngừ nướng với rau xanh, cà chua.
  • Bữa chiều: Cơm gạo lứt nấu cùng rau cải xanh hấp và một miếng thịt gà nướng. Ăn với salad và một quả táo.

Thứ Sáu

  • Bữa sáng: Một cốc sữa chua không đường pha với lúa mạch.
  • Bữa trưa: Bún gạo, phở gà hoặc bò, ăn kèm rau sống.
  • Bữa chiều: Cơm gạo lứt nấu cùng rau cải xanh hấp và cá kho lạt chấm rau sống.

Thứ Bảy

  • Bữa sáng: Cháo yến mạch pha với nước hoặc sữa không đường.
  • Bữa trưa: Bánh mì sandwich thịt gà hoặc cá.
  • Bữa chiều: Cơm trắng với canh rau củ quả, kết hợp thịt bò nướng.

Chủ Nhật

  • Bữa sáng: Bánh mì ngũ cốc ăn kèm hỗn hợp trái cây tươi và một cốc sữa không đường.
  • Bữa trưa: Salad cá hồi nướng với rau xanh, cà chua.
  • Bữa chiều: Cơm lứt kết hợp salad thịt gà, thêm ít dầu olive.

 

Khẩu phần ăn tiêu chuẩn trong thực đơn cho người tiểu đường tuýp 2

Khẩu phần ăn tiêu chuẩn trong thực đơn cho người tiểu đường tuýp 2

Lưu ý rằng thực đơn này chỉ mang tính chất tham khảo và cần phải điều chỉnh dựa trên nhu cầu dinh dưỡng và y tế cụ thể của từng người.

Mirai Care đã gợi ý cho bạn về từng nhóm thực phẩm lành mạnh và tốt cho bệnh tiểu đường tuýp 2 mà bạn có thể lựa chọn để bổ sung vào thực đơn hàng ngày. Cần nhớ, dù thực hiện chế độ ăn cho người tiểu đường tuýp 2 nhưng bạn vẫn phải đảm bảo rằng có sự đa dạng món ăn mỗi ngày với đầy đủ nhóm chất dinh dưỡng cần thiết. Bên cạnh đó, người bị bệnh tiểu đường cần kết hợp chế độ ăn hợp lý, tập thể dục và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để cải thiện tình trạng bệnh.