Dấu hiệu ung thư vòm họng và cách phòng ngừa
Tác giả: Nguyễn Thị Linh
Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện K, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư vòm họng là 12% - Chiếm tỷ lệ khá cao so với các bệnh ung thư khác. Bệnh phát triển tại họng khiến chúng ta dễ nhầm lẫn với các bệnh liên quan đường hô hấp nên sẽ chủ quan, dẫn đến khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn cuối khó chữa trị. Trong bài viết này, hãy cùng Mirai Care tìm hiểu các dấu hiệu ung thư vòm họng để có cách phòng ngừa hiệu quả.
Nội dung bài viết
1. Ung thư vòm họng là gì?
Các trường hợp ung thư vòm họng ít phát hiện sớm vì vùng vòm họng khó kiểm tra và dấu hiệu của bệnh cũng gần giống với những triệu chứng của các bệnh thông thường khác.
Cụ thể, ung thư vòm họng là căn bệnh bao gồm ung thư mũi hầu (phần trên của họng, ngay sau mũi), ung thư hầu họng (phần giữa của họng) và ung thư hạ hầu hay còn gọi là ung thư hạ họng (phần dưới cùng của họng).
Ung thư vòm họng xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở nam giới từ 40 đến 60 tuổi.
Các loại tế bào thường gặp nhất trong ung thư vòm họng là ung thư biểu mô không sừng hóa (biệt hóa hoặc không biệt hóa), ung thư biểu mô tế bào gai sừng hoá, ung thư biểu mô tế bào gai dạng đáy. Trong đó, ung thư biểu mô không sừng hóa – không biệt hóa là loại thường gặp nhất.
2. Các dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là 1 trong 10 căn bệnh ung thư hay gặp nhất nước ta và đứng hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu - mặt - cổ. Thực tế cho thấy phát hiện sớm là yếu tố quyết định đến hiệu quả điều trị ung thư nói chung cũng như ung thư vòm họng nói riêng. Vậy những dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng là gì để người bệnh chú ý thăm khám sớm?
2.1. Hạch cổ
Thông thường, nổi hạch thường liên quan đến tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn và sẽ giảm bớt nếu tình trạng viêm nhiễm được cải thiện. Tuy nhiên sau một khoảng thời gian, nếu hạch không đáp ứng với điều trị mà lại càng phát triển về kích thước thì có thể đây là dấu hiệu của bệnh lý liên quan đến ung thư.
Tình trạng hạch cổ xuất hiện thường xuyên cảnh báo nguy cơ ung thư
Xuất hiện hạch cổ là dấu hiệu điển hình của bệnh ung thư vòm họng. Hạnh cổ thường thấy ở vùng sau góc hàm, chúng nằm cùng bên với khối u. Hạch lúc đầu nhỏ, sau to dần, sờ thấy mật độ cứng, ấn không đau, di động hạn chế dần, sau đó bị cố định dính vào cơ và da xung quanh.
2.2. Các triệu chứng do bướu gây ra
Vùng vòm họng nằm phía sau khoang mũi nên khi bướu chèn ép vòm họng có thể gây ra tình trạng chảy máu mũi, nghẹt mũi. Bên cạnh đó, vòm họng nối với tai qua vòi Eustachian nên ung thư vòm họng phát triển có thể làm tắc vòi và gây nên những khó chịu về tai. Người bệnh có thể có cảm giác đầy trong tai, ù tai kéo dài hoặc đau tai, nghe kém một bên. Các triệu chứng tăng dần lên sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Do đó bạn cần thăm khám kịp thời để có phương án điều trị hiệu quả.
2.3. Các triệu chứng toàn thân
Bệnh nhân ung thư vòm họng có những triệu chứng toàn thân như sụt cân, xanh xao, mệt mỏi, ăn uống kém,... Ngoài ra, triệu chứng đau họng kéo dài cùng biểu hiện đau đầu, nhức tai,... cũng khiến bệnh nhân chán ăn, mệt mỏi.
Khi có hiện tượng sụt cân kéo dài bất thường cần đến cơ sở y tế thăm khám
3. Người bệnh cần làm gì khi có triệu chứng ung thư vòm họng?
Khi phát hiện các triệu chứng với tính chất đặc trưng được nêu trên thì người bệnh nên đi khám và tầm soát ung thư vòm họng. Chuyên gia cho biết rằng ung thư vòm họng có thể được điều trị hiệu quả với tỷ lệ sống trên 5 năm hơn 90% nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Bệnh có thể được tầm soát, phát hiện sớm bằng các biện pháp như xét nghiệm EBV, nội soi tai mũi họng,... Ngoài ra, hệ thống máy nội soi hoạt nghiệm thanh quản cũng giúp phát hiện ung thư vòm họng sớm và chính xác.
4. Cách phòng ngừa ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là bệnh lý nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa sớm nếu biết chủ động xây dựng lối sống lành mạnh và thường xuyên kiểm tra, tầm soát sức khỏe định kỳ. Sau đây là một số cách phòng ngừa ung thư vòm họng được chuyên gia gợi ý.
4.1. Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia
Nguy cơ ung thư vòm họng tăng cao nếu người bệnh thường xuyên hút thuốc lá, nghiện rượu bia. Các hóa chất trong thuốc lá hoặc chất kích thích làm niêm mạc bị tổn thương, từ đó giảm khả năng miễn dịch. Hệ miễn dịch suy yếu khiến cơ thể khó chống lại các tác nhân gây ung thư như virus HPV.
Các chất kích thích là nguyên hàng đầu gây suy giảm miễn dịch của cơ thể
4.2. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Theo nghiên cứu, người dân ở các vùng Bắc Cực, Bắc Phi thường xuyên ăn thực phẩm ướp muối như cá, thịt,... Khi thịt cá ướp mặn sẽ sinh ra chất hóa học nitrosamine, đây là hoạt chất có nguy cơ gây ung thư hàng đầu đang được cảnh báo. Do đó xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh với đầy đủ dưỡng chất, vitamin từ thực phẩm tươi, sạch, hạn chế thực phẩm đóng gói, ướp muối, sẽ giúp cơ thể trang bị một hệ miễn dịch khỏe mạnh chống lại bệnh tật.
4.3. Phòng ngừa lây nhiễm HPV
Ung thư vòm họng có thể gây ra bởi Human Papilloma Virus (HPV). Do đó, phòng ngừa lây nhiễm HPV là một trong những biện pháp quan trọng để giảm thiểu nguy cơ mắc phải ung thư vòm họng.
HPV có thể truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc da kề da. Con đường lây nhiễm chính của virus này là qua đường tình dục, bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng. HPV có thể lây lan ngay cả khi người nhiễm bệnh không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng. Tiêm phòng vacxin HPV là biện pháp phòng ngừa tốt nhất cho những bệnh do loại virus này gây ra, trong đó có ung thư vòm họng.
Tiêm ngừa định kỳ để phòng ngừa lây nhiễm virus HPV
4.4. Ngăn ngừa lây nhiễm EBV
Nhiễm Epstein Barr Virus (EBV) được ghi nhận có liên quan đến sự phát triển của ung thư vòm họng. EBV thường được tìm thấy trong loại ung thư vòm họng không sừng hóa – không biệt hóa. Tuy nhiên, chỉ nhiễm EBV đơn độc không đủ để gây ra ung thư vòm họng. Cách yếu tố khác trong thói quen sinh hoạt hằng ngày như hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích khiến cơ thể giảm miễn dịch sẽ là cơ hội để virus dễ dàng xâm nhập.
5. Những cách chẩn đoán ung thư vòm họng
5.1. Thăm khám
Chẩn đoán ung thư vòm họng thường bắt đầu bằng việc thăm khám tổng quát. Khi đó, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về những triệu chứng đang gặp phải, kết hợp dùng thao tác chuyên môn ấn vào cổ bệnh nhân xem hạch bạch huyết có bị phình to hay không.
5.2. Nội soi mũi họng
Việc nội soi mũi họng giúp bác sĩ quan sát được các biểu hiện bất thường ở vùng hầu họng. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách đưa ống nhỏ vào bên trong khoang mũi, đi vào các góc sau họng để chẩn đoán. Cách này sẽ gây cho bệnh nhân cảm giác khó chịu nên trước khi thực hiện bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ.
Nội soi mũi họng là phương pháp phổ biến để tầm soát ung thư vòm họng
>>> Xem thêm về điều trị ung thư tại Nhật Bản cùng Mirai Care
5.3. Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) vùng đầu cổ
Nếu phát hiện tổn thương nghi ngờ vùng vòm họng, người bệnh sẽ được chỉ định chụp CT hoặc MRI vùng đầu cổ để đánh giá các dấu hiệu bướu tại chỗ và tình trạng di căn hạch vùng.
Hiểu rõ dấu hiệu nhận biết ung thư vòm họng có thể giúp bạn chủ động thăm khám sớm để điều trị dứt điểm ngay khi bệnh chưa tiến triển nghiêm trọng. Điều quan trọng nhất chính là không bỏ qua bất kỳ biểu hiện nào của bệnh, nhất là ở những người đã có tiền sử hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với bụi amiăng. Quan tâm đến sức khoẻ của bản thân chính là cách để bạn kéo dài tuổi thọ lâu dài nhất có thể.
Trên đây là những thông tin về dấu hiệu ung thư vòm họng mà Linh và đội ngũ chuyên gia của Mirai Care muốn chia sẻ tới bạn đọc. Những thông tin trong bài viết được viết từ kiến thức, kinh nghiệm của Linh và đội ngũ Mirai Care, cùng với việc tham khảo từ các tài liệu y khoa chính thống từ các bệnh viện, đội ngũ chuyên gia đầu ngành về ung thư vòng họng. Tuy nhiên, nội dung bài viết không phải là kết luận chẩn đoán về tình trạng bệnh hay kết luận điều trị, để biết thông tin chính xác nhất về tình trạng bệnh của mình, bạn đọc hãy đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để thăm khám và tư vấn. Mirai Care xin chân thành cảm ơn
Câu hỏi thường gặp về dấu hiệu ung thư vòng họng
Bài viết phổ biến khác