[Chuyên giá giải đáp] Làm thế nào để biết trẻ bị bại não muốn gì
Tác giả: Ngô Thị Thúy An
Nội dung bài viết:
Làm thế nào để biết trẻ bị bại não muốn gì? Đây là câu hỏi đầy trăn trở mà rất nhiều cha mẹ có con mắc bại não từng tự hỏi. Trẻ bại não có thể gặp khó khăn trong giao tiếp, vận động và cảm xúc, khiến việc thấu hiểu nhu cầu hay mong muốn của con trở nên vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với sự kiên nhẫn, tình yêu thương và những phương pháp đúng đắn, cha mẹ hoàn toàn có thể "nghe" được tiếng nói đặc biệt của con. Thông qua bài viết dưới đây,Mirai Caresẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về cách nắm bắt tín hiệu từ con để đồng hành đúng cách, đúng lúc trong hành trình phát triển của trẻ.
1. Vì sao trẻ bại não khó thể hiện mong muốn như những trẻ khác?
Trên góc độ y khoa, bại não (Cerebral Palsy) là một rối loạn không tiến triển của não bộ, xảy ra do tổn thương vùng điều khiển vận động và tư thế trong giai đoạn từ bào thai đến 2 tuổi đầu đời. Tùy mức độ tổn thương, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát vận động, phối hợp tay - chân - mắt, và đặc biệt là giao tiếp.
Nhiều trẻ bại não không thể nói hoặc chỉ tạo ra những âm thanh không rõ nghĩa, nét mặt đơn điệu, hoặc cử động tay chân một cách hạn chế.
Điều đáng lưu ý là trẻ bại não không đồng nghĩa với thiểu năng trí tuệ. Rất nhiều trẻ có nhận thức tốt, hiểu được lời nói và cảm xúc của người xung quanh, nhưng không thể diễn đạt suy nghĩ hoặc cảm xúc của mình ra bên ngoài do hạn chế về cơ, thần kinh hoặc phối hợp vận động. Việc không thể hiện được mong muốn thường khiến trẻ cáu gắt, khó chịu, hoặc thu mình, dẫn đến những hiểu lầm về hành vi.
Chính vì thế, thấu hiểu cách trẻ "nói" theo cách riêng của mình là bước đầu quan trọng để đồng hành cùng con đúng cách, đúng thời điểm giúp con được tôn trọng, đáp ứng và phát triển tối đa tiềm năng sẵn có.
Trẻ bại não khó thể hiện cảm xúc như các đứa trẻ bình thường khác
2. Dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết khi trẻ bại não muốn gì?
Dù không thể nói hoặc diễn đạt trôi chảy như những đứa trẻ khác, trẻ bại não vẫn có những cách riêng để bày tỏ nhu cầu, mong muốn. Việc hiểu và nhận diện tín hiệu giao tiếp đặc biệt này sẽ giúp phụ huynh đáp ứng đúng lúc và tăng sự gắn kết với con.
2.1. Giao tiếp phi ngôn ngữ “ngôn ngữ cơ thể” của trẻ
- Nhìn chăm chú vào đồ vật hoặc người quen thuộc: Khi trẻ nhìn chằm chằm vào một món đồ chơi, bình sữa hoặc người thân, rất có thể con đang muốn tương tác hoặc tiếp cận.
- Vươn tay, chỉ tay (dù cử động yếu): Trẻ có thể cố gắng dùng một tay để hướng về phía món đồ hoặc đưa tay ra như cách gọi người lớn lại gần.
- Biểu cảm gương mặt rõ ràng: Nét mặt thay đổi khi nhìn thấy món đồ yêu thích (cười, sáng mắt lên), hoặc nhăn nhó, quay mặt đi khi không hài lòng cũng là một hình thức thể hiện cảm xúc.
2.2. Âm thanh hoặc cử động mang tính nhấn mạnh
- Lặp lại một âm thanh nhiều lần: Một số trẻ phát ra âm thanh đơn giản như “ư”, “a”, lặp đi lặp lại để gây chú ý hoặc báo hiệu mong muốn.
- Đập tay, cựa quậy mạnh: Khi phấn khích hoặc cần sự chú ý, trẻ có thể đập tay xuống bàn, vặn mình, hoặc cử động chân tay mạnh hơn so với bình thường.
2.3. Thay đổi hành vi khi nhu cầu không được đáp ứng
- Quấy khóc bất thường: Trẻ có thể khóc kéo dài, gào lên hoặc la hét không rõ nguyên nhân khi cảm thấy thất vọng, mệt mỏi hay bị bỏ qua.
- Bỏ ăn, từ chối hoạt động yêu thích: Một số trẻ sẽ phản ứng bằng cách quay mặt đi, không hợp tác trong bữa ăn hoặc không tham gia vào hoạt động quen thuộc đây có thể là dấu hiệu trẻ đang không hài lòng hoặc cảm thấy khó chịu.
Trẻ quấy khóc bất thường trong nhiều đêm mà không rõ nguyên nhân có thể được coi là dấu hiệu của bại não
3. Những sai lầm phổ biến khiến phụ huynh không hiểu được mong muốn của trẻ
3.1. Nghĩ rằng trẻ “không biết gì” vì không phản hồi nhanh
- Đây là hiểu lầm phổ biến nhất. Bại não có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động và giao tiếp, nhưng không đồng nghĩa với suy giảm trí tuệ. Một số trẻ vẫn biết và hiểu lời nói, cảm xúc của người xung quanh nhưng không thể biểu đạt bằng lời hay hành động. Thời gian phản ứng của trẻ có thể chậm hơn do não phải mất nhiều thời gian hơn để xử lý và gửi tín hiệu đến tay, chân, miệng.
- Ví dụ: Cha mẹ hỏi: “Con có muốn uống sữa không?” nhưng vì trẻ không thể gật đầu hay nói “dạ”, cha mẹ mặc định là con không hiểu hoặc không có nhu cầu.
- Giải pháp: Thay vì chỉ chờ những phản ứng rõ ràng như nói hay gật, cha mẹ cần học cách đọc hiểu các dấu hiệu nhỏ như ánh mắt, biểu cảm mặt, cử động tay hoặc giọng âm thanh mà trẻ tạo ra.
3.2. Áp đặt mong muốn của người lớn mà không quan sát phản ứng của trẻ
- Một lỗi khác là cha mẹ quá nóng vội hoặc áp đặt, hành động theo suy nghĩ của mình thay vì dựa trên phản ứng thực tế của trẻ.
- Ví dụ: Ép trẻ ăn dù trẻ quay đầu đi, mặt nhăn nhó, không hợp tác. Mua đồ chơi theo sở thích của người lớn mà không để ý xem trẻ có hứng thú hay không. Việc này dẫn đến hệ quả trẻ cảm thấy mình không được lắng nghe, dễ sinh ra sự thụ động hoặc chống đối. Bỏ lỡ cơ hội giúp trẻ rèn luyện khả năng thể hiện mong muốn.
- Giải pháp: Dành vài phút để quan sát phản ứng của trẻ trước khi hành động, tôn trọng những biểu hiện dù rất nhỏ như nhìn theo, nhăn mặt, rướn người vì đó có thể là cách trẻ nói “con thích” hay “con không muốn”.
3.3. Không kiên nhẫn chờ đợi phản ứng trong khi nhiều trẻ cần thời gian xử lý lâu hơn
- Một sai lầm khác là thiếu kiên nhẫn. Trẻ bại não thường mất nhiều thời gian hơn để xử lý thông tin và phản ứng lại.
- Ví dụ: Sau khi nghe một câu hỏi, trẻ có thể cần từ 10-20 giây (hoặc lâu hơn) để suy nghĩ và thực hiện hành vi phản hồi như quay đầu, phát âm, chỉ tay. Nếu cha mẹ không chờ đợi mà chuyển sang câu hỏi khác hoặc bỏ qua, trẻ không có cơ hội để hoàn thành phản hồi, từ đó giảm động lực giao tiếp.
- Giải pháp: Khi nói chuyện với trẻ, hãy dừng lại sau mỗi câu hỏi, giữ ánh mắt và đợi ít nhất 10-15 giây. Trong thời gian đó, hãy quan sát các biểu hiện nhỏ: mắt di chuyển, cử động miệng, tay, thay đổi nét mặt…
Để trả lời cho câu hỏi “làm thế nào để biết trẻ bị bại não muốn gì”, cha mẹ cần tránh vội vàng phán đoán, thay vào đó là: Tôn trọng sự khác biệt về phản ứng của trẻ. Kiên nhẫn lắng nghe mọi tín hiệu nhỏ nhất. Luôn tin tưởng rằng con có điều muốn nói chỉ là đang cố gắng để thể hiện điều đó theo cách riêng.
Cha mẹ không kiên nhẫn chờ đợi phản hồi của con
4. Giao tiếp hiệu quả giúp trẻ bại não phát triển ra sao?
Giao tiếp không chỉ đơn thuần là nói chuyện mà là cách trẻ thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn và kết nối với thế giới xung quanh. Với trẻ bại não, việc xây dựng một kênh giao tiếp phù hợp (dù bằng lời hay không lời) là chìa khóa để mở ra nhiều cánh cửa phát triển trong hiện tại và tương lai.
4.1. Giảm cáu gắt, khủng hoảng cảm xúc do không được hiểu
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ bại não hay cáu gắt, la hét hoặc có những hành vi bất thường là do trẻ không thể diễn đạt mong muốn của mình. Khi trẻ đói, đau, muốn thay đổi tư thế hoặc đơn giản là muốn được chú ý nhưng không ai hiểu, trẻ dễ rơi vào trạng thái lo âu, tức giận và bùng phát cảm xúc tiêu cực. Giao tiếp hiệu quả giúp trẻ truyền đạt nhu cầu một cách rõ ràng hơn, từ đó giảm các cơn cáu gắt và giúp trẻ cảm thấy an toàn, được quan tâm và thấu hiểu.
4.2. Tăng kết nối với người thân, nâng cao tự tin
Giao tiếp là nền tảng để xây dựng sự gắn bó tình cảm giữa trẻ và gia đình. Khi trẻ biết thể hiện và được người lớn đáp lại đúng nhu cầu, trẻ cảm nhận rõ rằng “mình được lắng nghe”. Điều này giúp trẻ trở nên tự tin hơn, chủ động hơn trong các tình huống hàng ngày. Ngược lại, nếu không được thấu hiểu, trẻ dễ cảm thấy lạc lõng, bị bỏ rơi và thu mình lại. Một môi trường có sự tương tác hai chiều sẽ giúp trẻ bại não cảm thấy được yêu thương và khuyến khích phát triển khả năng giao tiếp theo cách riêng của mình.
4.3. Hỗ trợ học tập tốt hơn nhất là khi trẻ đi học hòa nhập
Khi bước vào môi trường học đường, đặc biệt là trong các lớp học hòa nhập, trẻ bại não rất cần có một hệ thống phương pháp hỗ trợ giao tiếp phù hợp để hiểu bài và tương tác với thầy cô, bạn bè. Nhiều trẻ có khả năng nhận thức tốt nhưng không thể hiện được vì không có cách để nói lên suy nghĩ. Khi được hỗ trợ bằng bảng chữ cái, tranh hình, ứng dụng hỗ trợ nói (AAC), hoặc ngôn ngữ cơ thể phù hợp, trẻ có thể nói "con cần giúp", "con không hiểu", hay "con muốn nghỉ". Điều này giúp trẻ học tập hiệu quả hơn và tránh bị đánh giá sai về năng lực.
4.4. Góp phần cải thiện chất lượng sống về lâu dài
Khả năng giao tiếp là chìa khóa giúp trẻ hướng tới cuộc sống độc lập hơn trong tương lai. Khi trẻ có thể thể hiện nhu cầu cơ bản như ăn uống, nghỉ ngơi, cảm xúc hoặc sự không thoải mái, trẻ sẽ được chăm sóc đúng cách, tránh được các tình trạng sức khỏe không mong muốn. Ngoài ra, giao tiếp còn giúp trẻ duy trì các mối quan hệ, tham gia các hoạt động cộng đồng và thậm chí là học nghề, làm việc nếu điều kiện cho phép. Giao tiếp tốt chính là nền tảng để nâng cao chất lượng sống của trẻ bại não, giúp các em có một tương lai tích cực hơn.
Có các phương pháp giao tiếp hiệu quả sẽ giúp trẻ cải thiện chất lượng cuộc sống
5. Hướng dẫn cách giao tiếp hiệu quả với trẻ bại não
5.1. Thiết lập ngôn ngữ riêng cho mỗi trẻ
Mỗi trẻ bại não sẽ có mức độ vận động, nhận thức và khả năng giao tiếp khác nhau. Vì vậy, cha mẹ cần thiết lập một "ngôn ngữ riêng" phù hợp với năng lực của từng trẻ. Với nhiều trẻ không nói được, hệ thống tranh hình, ký hiệu hoặc các công cụ hỗ trợ giao tiếp nhưPECS (Picture Exchange Communication System)sẽ giúp trẻ "nói" lên điều mình muốn.
Ngoài ra, cha mẹ nên sử dụng những từ đơn giản, dễ hiểu và lặp lại nhiều lần trong các tình huống quen thuộc để trẻ ghi nhớ và phản ứng dần dần. Điều quan trọng là duy trì sự nhất quán, để trẻ nhận ra được mối liên hệ giữa từ ngữ, hành động, phản hồi.
5.2. Giao tiếp hai chiều
Giao tiếp với trẻ bại não không chỉ là “nói cho trẻ nghe”, mà còn cần lắng nghe trẻ theo cách riêng của trẻ. Mỗi khi đưa ra yêu cầu hoặc đặt câu hỏi, cha mẹ nên quan sát kỹ phản ứng của trẻ như ánh mắt, nét mặt, cử động tay chân...
Đặc biệt, cần dừng lại vài giây để chờ phản hồi, vì nhiều trẻ cần thời gian xử lý lâu hơn bình thường. Khi trẻ nhận được tín hiệu rằng mình đang được lắng nghe và phản hồi được tôn trọng, trẻ sẽ có động lực giao tiếp nhiều hơn và tự tin thể hiện mong muốn của bản thân.
5.3. Tạo môi trường dễ “nói”
Một môi trường giao tiếp thuận lợi sẽ giúp trẻ chủ động thể hiện mong muốn một cách tự nhiên hơn. Ví dụ đơn giản là đặt món đồ yêu thích của trẻ trong tầm nhìn nhưng ngoài tầm với khi đó, trẻ buộc phải thể hiện mong muốn thông qua cử chỉ, ánh mắt hoặc âm thanh.
Cha mẹ có thể tạo cơ hội bằng cách đưa ra hai lựa chọn, chẳng hạn như “Con muốn nước hay sữa?”, sau đó quan sát xem trẻ nhìn hoặc hướng tay về phía nào. Đây là những cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để khuyến khích trẻ giao tiếp và giúp cha mẹ hiểu được trẻ đang muốn gì.
Hãy tạo cho trẻ bại não môi trường giao tiếp thuận lợi
Thấu hiểu trẻ bại não là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn của cha mẹ nhưng thành quả đạt được vô cùng ý nghĩa. Dù con không thể nói như những đứa trẻ khác, nhưng trẻ vẫn luôn "nói" theo cách riêng của mình. Việc lắng nghe những tín hiệu nhỏ bé đó từ ánh mắt, nét mặt đến phản ứng khi tiếp xúc chính là chìa khóa để kết nối và đồng hành cùng con hiệu quả.
Nếu bạn đang tự hỏi “Làm thế nào để biết trẻ bị bại não muốn gì?”, hãy bắt đầu từ việc quan sát, yêu thương vô điều kiện và tìm kiếm sự hỗ trợ đúng chuyên môn. Mirai Care tin rằng mỗi bước tiến nhỏ đều là một chiến thắng và trong hành trình ấy, cha mẹ chính là người dẫn đường quan trọng nhất trong cuộc đời con.
KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ
Bài viết phổ biến khác