phone

Chia sẻ với ba mẹ phương pháp dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh

Chia sẻ với ba mẹ phương pháp dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh

Tác giả: , bài viết được tư vấn chuyên môn bởi: BÁC SĨ TAKAHIRO HONDA (Pajili) Giám đốc Viện Nghiên cứu Điều trị Cấy ghép Tế bào Gốc Tokyo (TSRI)

Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh là một trong những thách thức mà cha mẹ phải đối mặt bởi trẻ khó thấu hiểu và tiếp thu chậm hơn so với đứa bé bình thường. Bài viết dưới đây, Mirai Care sẽ giúp cha mẹ nhận biết trẻ tự kỷ sẵn sàng tập đi vệ sinh và hướng dẫn chi tiết cách dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh đúng cách. Cùng tham khảo nhé!

1. Dấu hiệu cho thấy trẻ tự kỷ đã sẵn sàng để tập đi vệ sinh

Dù bị tự kỷ nhưng trẻ vẫn có những dấu hiệu để người lớn nhận ra rằng bản thân bé sẵn sàng để tập đi vệ sinh. Một số dấu hiệu điển hình phải kể đến như: 

  • Trẻ tự kỷ thường hạn chế giao tiếp, thay vào đó, các bé sẽ ra tín hiệu thông qua việc động chạm vào vùng nhạy cảm. 
  • Chủ động có những hành động như vô thức sờ xuống phần dưới quần, tự ngồi xuống và im lặng. 
  • Chủ động ngồi xuống bồn cầu khi được cho đi vệ sinh mà không cần hướng dẫn, sau khi đi xong tự biết mặc quần hoặc ra hiệu cho cha mẹ vệ sinh giúp. 
  • Đi vệ sinh đều đặn và có khả năng nhịn nếu đang ở ngoài hoặc ở cùng người lạ. 
  • Cảm thấy khó chịu hoặc khóc khi cha mẹ không thay quần cho ngay. 
  • Khi đi vệ sinh xong mà chưa được phụ huynh lau rửa cho, trẻ sẽ vén áo và không ngồi hoặc không nằm ngay lúc ấy bởi nhận  thực được chưa sạch sẽ. 

Dù bị tự kỷ nhưng trẻ vẫn có thể ra hiệu khi sẵn sàng tập đi vệ sinh

Dù bị tự kỷ nhưng trẻ vẫn có thể ra hiệu khi sẵn sàng tập đi vệ sinh

>> Xem chi tiết: 10 Dấu hiệu bệnh tự kỷ ở trẻ em mà bạn cần biết

2. Hướng dẫn dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh đúng cách 

Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh là điều vô cùng cần thiết bởi đây là kỹ năng cơ bản mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng nên được rèn luyện để chủ động thực hiện, không cần nhờ đến sự trợ giúp của cha mẹ. Dưới đây là hướng dẫn dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh đúng cách, phụ huynh nên lưu lại để thực hiện: 

2.1 Giúp trẻ làm quen với cảm giác muốn đi vệ sinh

Đầu tiên, cha mẹ hãy hướng dẫn con nhận biết khi vùng kín có cảm giác buồn tức là lúc đó con có thể cần đi vệ sinh. Hãy gọi trợ giúp hoặc ra hiệu bằng cách sờ xuống quần để người lớn biết được nhu cầu của con. 

2.2 Tạo thói quen sử dụng nhà vệ sinh cho trẻ

Hãy giúp trẻ tự kỷ hình thành thói quen đi tiểu tiện/ đại tiện đúng cách bằng việc rèn luyện cho trẻ sử dụng nhà vệ sinh. Cha mẹ cần giúp trẻ nhận thức được rằng khi có cảm giác buồn tiểu hoặc muốn đi đại tiện, trẻ phải tìm đến nhà vệ sinh để giải quyết. 

Phụ huynh nên bắt đầu cho trẻ làm quen với nhà vệ sinh bằng việc đưa trẻ đến nhà vệ sinh mỗi khi thay tã. Điều này giúp trẻ tự kỷ dần nhận ra rằng mình cần đến nhà vệ sinh khi nào, đồng thời, việc thay tã sẽ luôn gắn liền với hình ảnh nhà vệ sinh. Lâu dần hình thành thói quen, chắc chắn trẻ sẽ tự động kéo cha mẹ đến đúng nơi mỗi khi muốn tiểu tiện hoặc đại tiện. 

Ngoài nhà vệ sinh tại gia, cha mẹ cũng nên cho trẻ làm quen với nhà vệ sinh công cộng để xử lý các tình huống bất ngờ khi ở ngoài. Chẳng hạn, có những lúc cần sử dụng nhà vệ sinh công cộng hoặc tại trường hay quán ăn, trẻ tự kỷ dễ rơi vào trạng thái sợ hãi, lo lắng vì lạ. 

Phụ huynh nên cho trẻ làm quen với nhà vệ sinh từ từ

Phụ huynh nên cho trẻ làm quen với nhà vệ sinh từ từ

2.3 Hướng dẫn trẻ ngồi bồn cầu

Với trẻ tự kỷ, thói quen là điều rất khó thay đổi. Nếu ban đầu cha mẹ cho trẻ dùng bô thì trẻ sẽ quen với cảm giác ngồi bô và khó thích ứng với việc ngồi bồn cầu. Thậm chí, trẻ có thể phản ứng gay gắt, không chịu ngồi bồn cầu khi được yêu cầu. 

Hiện nay, trên thị trường bán nhiều loại bồn cầu cho trẻ với sự hỗ trợ của một số công cụ như bệ thang, đồ lót giúp trẻ ngồi thoải mái hơn. Lưu ý, bé trai và bé gái có những cách đi vệ sinh khác nhau, cha mẹ nên dựa vào đặc điểm của trẻ để hướng dẫn hợp lý. 

Bên cạnh đó, sau khi dùng nhà vệ sinh xong, hãy để trẻ tự tay xả nước bồn cầu. Cha mẹ nên cầm tay trẻ hướng dẫn, lâu dần sẽ hình thành thói quen xả nước sau mỗi lần đi vệ sinh. 

2.4 Dán hình minh họa vui nhộn để dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh

Song song với lời nói, phụ huynh có thể sử dụng hình ảnh trực quan để dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh, đảm bảo sẽ mang lại hiệu quả tốt. Cha mẹ nên chọn những hình ảnh nhiều màu sắc, trực quan và thú vị để thu hút trẻ. Phần minh họa cần được dán ngang tầm mắt để trẻ nhìn thấy thường xuyên. 

Những hình ảnh này không chỉ giúp trẻ hình dung rõ ràng hơn hành vi mà còn tăng cường khả năng ghi nhớ và nhắc nhở khi trẻ quên bước nào đó. Hành động này nên thực hiện 2-3 lần trong ngày vào các khung thời gian nhất định và lặp lại để hình thành thói quen nhất quán. 

2.5 Hướng dẫn trẻ cách rửa tay

Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh đúng cách nhất định không thể thiếu rửa tay. Bắt đầu với những điều cơ bản, chỉ cho con bạn thấy rằng rửa tay đúng cách cần nước ấm, xà phòng, ma sát và thời gian. Khuyến khích con rửa tay trong thời gian đủ để hát to hoặc hát thầm 'Happy Birthday to You'! Chỉ cho con cách chà xát tay thật kỹ, chà giữa các ngón tay và quanh móng tay.

Cha mẹ nên thị phạm trước chi tiết từng bước, từ kéo tay áo đến làm ướt tay, lấy xà phòng, chà xát thật kỹ bàn tay, kẽ tay rồi vẫy nước và lau khô. Cùng với đó, phụ huynh có thể in hình ảnh từng bước rửa tay dán lên nhà vệ sinh để trẻ nhìn thấy và nhớ tốt hơn. 

Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách và thật sạch sau khi đi vệ sinh

Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách và thật sạch sau khi đi vệ sinh

2.6 Dành lời khen cho trẻ

Việc dành lời khen, động viên và khuyến khích khi trẻ làm được điều gì đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển điểm mạnh của trẻ tự kỷ. Bé sẽ thấy có động lực và những việc mình làm có ích hơn, từ đó, tự tin thể hiện bản thân. 

Ngoài ra, cha mẹ có thể thưởng cho trẻ viên kẹo, tràng vỗ tay, ôm hôn,... giúp trẻ cảm nhận được năng lượng tích cực từ việc đi vệ sinh đúng cách. Đặc biệt, cha mẹ không được la mắng, quát nạt khi trẻ làm sai, tránh làm trẻ sợ hay ám ảnh với việc đi vệ sinh. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn hướng dẫn, nhắc nhở nhẹ nhàng và hỗ trợ trẻ giải quyết vấn đề. 

2.7 Hướng dẫn trẻ đi vệ sinh vào ban đêm

Không chỉ ban ngày, dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh vào ban đêm cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Trẻ tự kỷ thường khó kiểm soát hành vi dẫn đến tè dầm, đi ị trong lúc ngủ ban đêm mà không thức giấc. Lâu dần sẽ hình thành thói quen khó thay đổi nên cha mẹ cần hướng dẫn trẻ đi vệ sinh vào ban đêm đúng cách. 

Bước đầu thực hiện điều này là tạo thói quen đi ngủ đúng giờ và không uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ. Khoảng 1 tiếng trước khi ngủ, cha mẹ không nên để trẻ uống nước hoặc ăn trái cây nhiều nước. Đồng thời, nhắc nhở trẻ đi vệ sinh trước khi ngủ, hạn chế tình trạng tè dầm. 

2.8 Tạo môi trường thoải mái cho trẻ

Với trẻ tự kỷ, tạo không gian thoải mái, mang lại cảm giác an toàn là cách tốt nhất để bé mở lòng và hứng thú với mọi hoạt động xung quanh. Trẻ căng thẳng khi đi vệ sinh, cha mẹ có thể đặt một vài vật dụng quen thuộc gần bồn cầu hoặc đặt ở nơi trẻ dễ với tay lấy để trẻ thấy an toàn. 

Nếu trẻ đến lớp học thì cha mẹ cần trao đổi với giáo viên về thói quen đi vệ sinh của trẻ. Cùng với đó, mua thêm vài đồ dùng cá nhân của trẻ đặt ở trường để tạo cảm giác quen thuộc. 

Tạo không gian đi vệ sinh thoải mái, mang lại cảm giác an toàn

Tạo không gian đi vệ sinh thoải mái, mang lại cảm giác an toàn

2.9 Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh thông qua truyện kể

Những câu chuyện sinh động về các tình huống cụ thể trong cuộc sống hay con vật quen thuộc đi vệ sinh như thế nào cũng là cách dạy trẻ tự kỷ khá hiệu quả. Thông qua hình ảnh trực quan và thú vị, trẻ sẽ nhớ lâu hơn. 

Cha mẹ có thể chọn những câu chuyên đơn giản, sinh động hoặc tự viết các mẩu chuyện dựa trên sinh hoạt hàng ngày của bé. Trong lúc kể chuyện, phụ huynh cần nhấn mạnh những vấn đề như đi vệ sinh vào lúc cần thiết, phải xả nước và rửa tay sạch sau khi đi tiểu tiện/ đại tiện xong.

2.10 Học cách cởi và mặc quần áo

Thời gian đầu dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh, phụ huynh hãy cho bé mặc những bộ quần áo thoáng mát, gọn gàng, hạn chế tối đa dây rợ hoặc nhiều tầng để dễ mặc và dễ cởi. Nếu quần áo quá rắc rối thì trẻ sẽ cảm thấy phiền phức, khó khăn và dễ dính bẩn vì chưa quen dùng bồn cầu. 

Lần đầu, cha mẹ hãy dạy trẻ từng bước chi tiết từ kéo quần đến mông và kéo lên eo sau khi đi vệ sinh xong. Lần sau, cha mẹ chỉ cần kéo quần lên gần mông rồi để trẻ tự kéo lên eo. Dạy trẻ từng bước từ từ cho đến khi trẻ học được cách kéo quần từ mắt cá chân lên eo. 

3. Những tâm lý khi trẻ tự kỷ đi vệ sinh

Việc rèn luyện kỹ năng đi vệ sinh cho trẻ tự kỷ thường gặp nhiều thách thức hơn so với trẻ thông thường. Thời gian đầu, trẻ thường phải trải qua những cảm xúc và tâm lý phức tạp trong quá trình này. Những tâm lý thường gặp ở trẻ tự kỷ khi đi vệ sinh gồm: 

  • Sợ bồn cầu hay âm thanh xả nước: Tiếng ồn lớn khi xả nước hoặc cảm giác không thoải mái khi ngồi trên bồn cầu có thể làm trẻ tự kỷ thấy lo lắng, sợ hãi. Cha mẹ có thể cho trẻ thích ứng dần với tiếng xá nước và dùng đệm bồn cầu cho bé. 
  • Khó chịu về cảm giác: Trẻ tự kỷ có thể nhạy cảm hơn với các kích thích cảm giác như chất liệu quần áo, nhiệt độ nước hoặc cảm giác khi ngồi trên bồn cầu. Ngoài ra, trẻ tự kỷ cũng nhạy cảm với cảm giác ướt và bẩn nên có thể thấy khó chịu khi đi vệ sinh. 
  • Khó hiểu tín hiệu cơ thể: Trẻ tự kỷ có thể khó nhận biết và hiểu những tín hiệu cơ thể báo hiệu muốn đi vệ sinh, dẫn đến việc không kịp thời đến nhà vệ sinh.
  • Khó thay đổi thói quen: Trẻ tự kỷ thường có xu hướng bám vào thói quen và rất khó thay đổi. Việc chuyển từ bô sang bồn cầu hoặc thay đổi thời gian đi vệ sinh có thể gây ra sự kháng cự.
  • Cảm giác kiểm soát: Một số trẻ tự kỷ có thể cảm thấy mất kiểm soát khi đi vệ sinh và cố tình ị ra quần để khẳng định quyền tự chủ của mình.

Khi mới tập đi vệ sinh, trẻ có thể bị sợ bồn cầu hoặc nhạy cảm với vết bẩn

Khi mới tập đi vệ sinh, trẻ có thể bị sợ bồn cầu hoặc nhạy cảm với vết bẩn

4. Khó khăn trong quá trình dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh

Trẻ tự kỷ thường có độ nhạy cảm cao hơn với một số giác quan nhất định, chẳng hạn như xúc giác, khứu giác hoặc âm thanh khiến các nhiệm vụ như đánh răng hoặc gội đầu hay đi vệ sinh trở nên khó khăn hơn. Sự tương tác giữa các vấn đề về giác quan này và nhu cầu về các thói quen có thể dự đoán được có thể làm tăng thêm sự phức tạp trong việc dạy vệ sinh cá nhân cho trẻ tự kỷ. Hiểu được những thách thức đặc biệt này là điều cơ bản để hình thành một chiến lược vệ sinh hiệu quả cho trẻ tự kỷ. 

Một vài những khó khăn trong quá trình dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh phụ huynh chắc chắn sẽ gặp phải:

  • Trẻ tự kỷ có thái độ buồn bực, sợ hãi với việc đi vệ sinh và né tránh bằng cách la hét, đánh người lớn. 
  • Một vài trẻ sợ cảm giác đi tiểu ở nơi công cộng.
  • Nhiều trẻ tự kỷ bị quá tải cảm xúc, có thể xuất hiện xu hướng nhét giấy lấp đầy bồn cầu, giật nước liên tục, dây phân lên tường và những hành động khác không sạch sẽ. 
  • Vì sợ đi vệ sinh, trẻ sẽ nhịn tiểu, nhịn đại tiện gây táo bón, nhiễm trùng đường tiết niệu. 
  • Thời gian đầu tập tự đi vệ sinh, trẻ không thể cởi quần áo thuần thục, dễ vấy bẩn quần áo hoặc không chịu rửa tay sau khi tiểu tiện xong. 
  • Có những trẻ cảm thấy khó chịu, sợ hãi với việc dùng nhà vệ sinh, xuất hiện phản ứng quá kích khi bị ép buộc đi vệ sinh. 

Trẻ tự kỷ sợ hãi với việc đi vệ sinh và tỏ thái độ khó chịu

Trẻ tự kỷ sợ hãi với việc đi vệ sinh và tỏ thái độ khó chịu

5. Những lưu ý quan trọng khi ba mẹ dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh

Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh là một quá trình cần sự kiên nhẫn và phương pháp phù hợp. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà các bậc phụ huynh nên ghi nhớ:

  • Đảm bảo an toàn: Trẻ tự kỷ dễ bị bất an nên việc tạo không gian nhà vệ sinh an toàn là điều cần thiết để tránh trẻ gặp phải những tai nạn ngoài ý muốn. Cha mẹ có thể sử dụng bô hoặc kích thước phù hợp với trẻ, đồng thời cất giữ và che chắn những vật dụng nguy hiểm xa tầm với của bé.
  • Tạo không gian vệ sinh thoáng mát, sạch sẽ: Cha mẹ cần đảm bảo nhà vệ sinh luôn khô thoáng, sạch sẽ để tránh làm trẻ bị ngã. Ngoài ra, có thể cân nhắc trang trí nhà vệ sinh theo sở thích của con để giúp trẻ hứng thú hơn với việc đi vệ sinh. 
  • Theo dõi sức khỏe của trẻ qua chất thải: Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn khi biểu đạt những mong muốn hay tình trạng sức khỏe bản thân gặp phải. Vì thế, cha mẹ có thể nhận biết sức khỏe của con thông qua màu sắc và hình dạng chất thải của bé. 

Trên đây là những thông tin Miraicare chia sẻ về cách dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh đúng cách, hy vọng sẽ giúp ích cho cha mẹ trong việc tìm kiếm cách dạy con bị tự kỷ. Bên cạnh sử dụng phương pháp rèn luyện đúng đắn, cha mẹ nên nhờ đến sự can thiệp, điều chỉnh hành vi của thầy cô hoặc bác sĩ tâm lý để con cải thiện hơn. Hãy theo dõi Mirai Care thường xuyên để bỏ túi thêm nhiều tin tức về sức khỏe mới nhất mỗi ngày nhé!