Mẹo chống lại chứng trầm cảm sau đột quỵ
Tác giả: Ngô Thị Thúy An
Đột quỵ không chỉ gây tổn thương về tinh thần mà còn để lại nhiều hậu quả nặng nề về tâm lý, trong đó, trầm cảm là một biến chứng phổ biến. Để giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn này, Mirai Care sẽ tổng hợp và chia sẻ những mẹo hữu ích nhằm chống lại chứng trầm cảm sau đột quỵ trong bài viết dưới đây. Cùng tham khảo nhé!
Nội dung bài viết:
1. Mối liên hệ giữa trầm cảm và bệnh đột quỵ
Đột quỵ không chỉ gây ra những hậu quả về thể chất mà còn để lại những ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của người bệnh. Thời gian gần đây, tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu ngày càng cao, thậm chí tệ hơn với những người bị trầm cảm trước đột quỵ. Sau biến cố về sức khỏe, mỗi bệnh nhân có cách đối diện khác nhau với bệnh tật.
Với những bệnh nhân sau đột quỵ, đa số sẽ có khoảng gian stress kéo dài, kết hợp suy giảm nhận thức, cảm giác và vận động khiến mất khả năng hòa nhập. Hơn nữa, nhiều người bị đột quỵ mặc cảm vì phải phụ thuộc vào người thân và mặc định mình là gánh nặng của xã hội.
>> Bạn có biết: Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ và các thời điểm thường xảy ra đột quỵ
Tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu ngày càng cao
2. Diễn biến tâm lý và biểu hiện trầm cảm sau đột quỵ
Diễn biến tâm lý và sức khỏe tinh thần của người bị trầm cảm sau đột quỵ là khác nhau. Đa số người bệnh rơi vào trạng thái căng thẳng, không thể giải tỏa cảm xúc, nổi giận vô cớ hoặc từ chối tiếp nhận chăm sóc, u buồn.
Ngoài ra, thay đổi cảm xúc sau khi bị đột quỵ cũng là dấu hiệu rõ rệt của trầm cảm, họ buồn tủi, tâm trí trống rỗng, cáu kỉnh, bất lực và rơi vào trạng thái vô vọng. Cùng với đó, họ cũng dễ gặp các vấn đề về giấc ngủ như ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
Bị trầm cảm, họ cũng có thể mất hứng với những thứ họ từng thích và muốn thu mình, dành ít thời gian hơn cho người mà họ quan tâm.
Ngoài ra, họ sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu hoặc đau mà không thể điều trị tốt hơn. Thậm chí, người bị trầm cảm sau đột quỵ không phát hiện kịp để điều trị sẽ nghĩ quẩn như tự hành hạ bản thân hoặc tự tử.
Bị trầm cảm sau đột quỵ làm thay đổi cảm xúc trở nên tiêu cực
3. Mẹo chống lại chứng trầm cảm sau đột quỵ
Trầm cảm sau đột quỵ là một tình trạng phổ biến và hoàn toàn có thể điều trị. Dưới đây là một số mẹo hữu ích giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này:
3.1 Tìm kiếm sự hỗ trợ
Sau đột quỵ, người bệnh dễ rơi vào trầm cảm do mặc cảm, tự ti vào khả năng của bản thân. Đây là thời điểm họ có thể nghĩ quẩn, trầm tư dẫn đến stress nặng và hành động gây hại cho bản thân.
Chính vì thế, người bệnh nên tìm đến sự hỗ trợ và tâm sự với người thân, bạn bè, những người tin tưởng để giải tỏa bức xúc trong lòng và nhận được sự thấu hiểu, động viên của họ. Bạn cũng có thể tham gia vào các nhóm hỗ trợ để gặp gỡ người cùng hoàn cảnh, nói chuyện, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau.
Với bệnh nhân bị tâm lý nặng, gia đình hãy liên hệ và tìm kiếm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp như bác sĩ tâm lý, bác sĩ thần kinh hoặc các chuyên gia. Họ là những người chuyên môn cao, khả năng thấu hiểu tốt sẽ tư vấn, lên phác đồ điều trị hợp lý nhất cho người bệnh.
3.2 Duy trì lối sống lành mạnh
Một trong những mẹo chống lại chứng trầm cảm sau đột quỵ phổ biến nhất phải kể đến duy trì lối sống lành mạnh. Người bệnh không chỉ xây dựng thực đơn ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn phải tập sống lối sống khoa học:
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, omega-3 tốt cho não bộ.
- Tập luyện thể dục thể thao cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng nhưng nên lựa chọn bài tập phù hợp với sức khỏe của bản thân.
- Hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc để phục hồi chức năng não bộ, giảm căng thẳng và giúp tinh thần thoải mái hơn.
- Không sử dụng chất kích thích như rượu bia, thức uống có cồn, thuốc lá,... bởi đây đều là những thứ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và làm chậm quá trình phục hồi.
>> LƯU NGAY: Thực đơn dinh dưỡng cho bệnh nhân sau đột quỵ
Hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc để phục hồi chức năng não bộ
3.3 Áp dụng các phương pháp thư giãn
Áp dụng các phương pháp thư giãn là cách điều trị trầm cảm lo âu được nhiều chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện. Bạn có thể tham khảo thực hiện một trong các cách sau:
- Ngồi thiền:Giúp tập trung tâm trí, giảm bớt lo âu và căng thẳng. Bằng cách tập trung vào hơi thở và tâm trí, người bệnh có thể giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực, tăng cường sự tập trung và tìm lại sự bình yên trong tâm hồn.
- Tập Yoga:Giúp tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, cải thiện tâm trạng. Tuy nhiên, người bệnh không nên tập bài quá sức và phải cân nhắc thời gian tập phù hợp với sức khỏe.
- Nghe nhạc:Thư giãn, giải tỏa căng thẳng và nâng cao tinh thần. Nên chọn nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, chữa lành thay vì các bài nhạc quá sôi động, có tính kích thích hành động mạnh.
- Đọc sách:Những câu chuyện hay, những bài thơ ý nghĩa sẽ mang đến cho bạn những cảm xúc tích cực. Hơn nữa, thông qua đọc sách, người bệnh có thể khám phá nhiều điều mới mẻ, kích thích trí tò mò và tăng cường khả năng tư duy.
3.4 Tham gia các hoạt động xã hội
Sau một cơn đột quỵ, việc cảm thấy cô đơn, lạc lõng là điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên, tham gia vào các hoạt động xã hội lại là một "liều thuốc" quý giá giúp bạn vượt qua những cảm xúc tiêu cực này. Một số hoạt động xã hội có thể lựa chọn để chống lại chứng trầm cảm sau đột quỵ:
- Giao lưu, trò chuyện với bạn bè:Giao tiếp với nhiều người khác nhau sẽ mở rộng mạng lưới xã hội, tạo ra những mối quan hệ mới và có ý nghĩa. Nhờ đó, giải tỏa cảm giác cô đơn, buồn chán và tăng cường kết nối xã hội.
- Tham gia các hoạt động tình nguyện:Khi tham gia vào các hoạt động tình nguyện, người bệnh sẽ có cảm giác mình đóng góp cho cộng đồng, tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống. Điều này giúp họ cảm thấy mình vẫn còn giá trị và có thể làm được nhiều việc.
- Theo đuổi sở thích:Sở thích mang lại niềm vui và sự thư giãn, giúp bạn quên đi những muộn phiền và căng thẳng. Làm những điều mình thích, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn vào bản thân và khả năng của mình giúp thư giãn, cải thiện tâm trạng.
Giao tiếp với nhiều người khác nhau sẽ giúp người bệnh thoải mái hơn
3.5 Duy trì thái độ tích cực
Cuối cùng, một mẹo chống lại chứng trầm cảm sau đột quỵ bạn nhất định không được bỏ qua chính là duy trì thái độ tích cực. Biết ơn, trân trọng những điều tốt đẹp dù nhỏ bé sẽ giúp bạn yêu cuộc sống và bớt ý nghĩ tiêu cực.
Bên cạnh đó, người bệnh nên nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực, tập trung vào những điều tốt đẹp và đặt ra mục tiêu cho bản thân. Từ đó, tạo động lực và nâng cao niềm tin vào khả năng của chính mình.
Đặc biệt, hãy học cách tha thứ cho bản thân và những người xung quanh. Không nên để cơn tức giận, buồn phiền nén trong lòng khiến bạn dễ bùng nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần.
Tổng kết
Mong rằng với những thông tin mà Mirai Care chia sẻ trong bài viết trên sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức về trầm cảm sau đột quỵ. và bỏ túi được một số mẹo chống lại tình trạng đó. Hãy luôn kiên nhẫn và lắng nghe người thân, chuyên gia trong quá trình phục hồi sau đột quỵ nhé. Nếu còn điều gì thắc mắc thì liên hệ ngay với Mirai Care để nhận tư vấn và đừng quên theo dõi Mirai Care mỗi ngày để đón đọc thêm nhiều tin tức hữu ích về chăm sóc sức khỏe
Bài viết phổ biến khác